pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bỏ hộ khẩu giấy, phụ huynh đi xin học cho con thế nào?
Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7, nhiều trường hợp sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu và không cấp lại sổ hộ khẩu mới.
Sổ hộ khẩu bị thu, căn cước công dân chưa có, phải làm sao?
Là phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6, anh Trần Đông Dương, cư trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), băn khoăn: "Có con sắp phải tuyển sinh vào lớp 6 nên khi tham khảo quy định tuyển sinh đầu cấp đối với đối tượng đúng tuyến những năm trước, tôi thấy trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu. Không biết năm nay thế nào?". Đợt vừa rồi, khi đi làm bổ sung dữ liệu dân cư, gia đình anh Dương đã bị thu hồi sổ hộ khẩu trong khi anh lại chưa nhận được căn cước công dân có gắn chip. "Tôi nghe nói căn cước công dân mới sẽ tích hợp các dữ liệu cá nhân trong đó, chỉ cần quét mã hoặc kiểm tra mã số định danh cá nhân sẽ có đầy đủ thông tin. Nhưng hiện tại tôi chưa nhận được căn cước công dân. Tôi đã đi hỏi bên công an thì họ cũng chưa chắc chắn khi nào sẽ có. Giờ tôi phải ra phường hỏi thủ tục để chứng minh được nơi thường trú của gia đình tôi để xin học cho cháu", anh Dương chia sẻ.
Chị Nguyễn Hương Lan (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang đau đầu khi năm nay con của chị bước vào lớp 1 nhưng sổ hộ khẩu của gia đình chị đã bị mất. "Trước đây khi xin học cho đứa lớn, tôi chỉ cần mang sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan đến làm thủ tục thì nhà trường sẽ nhận vì cháu học đúng tuyến. Tuy nhiên, đợt vừa rồi nhà tôi bị mất sổ hộ khẩu. Hôm trước, chồng tôi lên công an phường xin cấp lại thì họ bảo từ ngày 1/7 sẽ không cấp lại, cấp mới sổ hộ khẩu nữa. Tôi đang rất lo lắng không biết phải làm như thế nào?", chị Lan chia sẻ.
Chúng tôi đã trao đổi những băn khoăn của anh Dương và chị Lan với một cảnh sát khu vực công tác tại một công an phường ở quận Cầu Giấy. Người cán bộ này cho biết, nếu trong trường hợp bị mất, bị thu hồi sổ hộ khẩu mà chưa được cấp căn cước công dân thì công dân có thể ra Công an phường để xin xác nhận nơi cư trú. Giấy xác nhận nơi cư trú này sẽ có tác dụng thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh nơi thường trú của công dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi về hồ sơ tuyển sinh đầu cấp năm nay tại Hà Nội, giấy xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn là loại giấy tờ có thể thay thế cho sổ hộ khẩu.
Hành trình đi xin giấy xác nhận nơi cư trú
Tuy nhiên, hành trình để xin được giấy xác nhận này lại không đơn giản. Sáng 6/7/2021, tại trụ sở công an của một phường ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi đã gặp một số người dân đến xin xác nhận nơi cư trú, tạm trú để xin học cho con. "Ngày 12/7 tới, tôi sẽ phải làm thủ tục nhập học trực tiếp cho con, vì có một số nhầm lẫn trong giấy tờ nên gia đình không thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến được. Tôi phải đi xin giấy xác nhận nơi cư trú cho cháu đủ hồ sơ", chị H. (nhân vật đề nghị được giấu tên), một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, chia sẻ.
Chị H. chưa có hộ khẩu ở Hà Nội nên phải xin xác nhận tạm trú. Còn anh K. (đề nghị được giấu tên) đã nhập hộ khẩu vào Hà Nội nhưng không may sổ hộ khẩu bị mất, căn cước công dân chưa được nhận. Anh K. không có gì để chứng minh nơi thường trú của mình. Anh ra Công an phường xin xác nhận nơi cư trú để xin học cho con vào lớp 1. Tình huống này khiến cảnh sát khu vực cũng bối rối. Anh K. đang dùng chứng minh nhân dân cũ (ở địa phương khác, trước khi chuyển hộ khẩu về Hà Nội). Khi công an kiểm tra trên dữ liệu quốc gia về dân cư, do dữ liệu chưa "thông" nên không có thông tin. Hồ sơ lưu trữ trong kho cũng chỉ có một số thông tin chưa đầy đủ về nơi gia đình anh đang cư trú. Cuối cùng, sau khi xác nhận qua nhiều kênh về nơi thường trú của anh K., Công an cũng cấp giấy xác nhận nơi cư trú với điều kiện anh K. phải làm cam kết.
Chia sẻ với PV, cán bộ công an phường này cho hay, trong thời gian "quá độ", chuyển giao từ hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử sẽ không tránh khỏi những vấn đề vướng mắc nảy sinh. Một trong những khó khăn hiện tại là hệ thống máy móc, thiết bị ở cơ sở chưa được đồng bộ, nhiều thứ chưa "thông" dữ liệu. "Chắc phải mất một khoảng thời gian nữa thì mọi thứ mới đi vào hoạt động trơn tru, khi đó công dân sẽ được thuận tiện hơn. Hiện giờ chúng tôi đang cố gắng khắc phục các vướng mắc, có nhiều vấn đề vướng mắc phải xin ý kiến, hướng dẫn của cấp trên", vị này chia sẻ.
Mang những băn khoăn về vướng mắc nảy sinh từ thực tế, đặc biệt là lo ngại những phiền nhiễu mang tính "xin-cho" có thể có trong thời gian "quá độ" chuyển giao từ hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử, chúng tôi đã trao đổi với nhiều cán bộ trong ngành công an đang công tác tại các địa phương. Một cán bộ công an công tác tại huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) cho biết, khi công dân làm các thủ tục cắt khẩu, nhập khẩu, điều chỉnh thông tin sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy. Tuy nhiên, do địa phương này chưa "thông" hệ thống với dữ liệu quốc gia về dân cư nên chưa thực hiện thu hồi, để người dân sử dụng khi cần. Vị này lưu ý, với trường hợp nào có khả năng bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy, để thuận tiện trong giao dịch nên photo có công chứng nhiều bản để sử dụng khi cần.
Trở lại câu chuyện "bỏ hộ khẩu giấy, việc đi xin học cho con sẽ thế nào?", lâu nay, "cuốn sổ quyền lực" này không chỉ là một trong những thủ tục cần có trong hồ sơ tuyển sinh. Việc có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa bàn nào còn là căn cứ để tuyển sinh theo tuyến vào trường đóng trên địa bàn đó. Khi sổ hộ khẩu giấy không còn được sử dụng nữa (theo Luật Cư trú là từ ngày 1/1/2023) thì phương thức tuyển sinh theo nơi cư trú liệu có thay đổi? Lời giải đáp cho câu hỏi này có lẽ sẽ phải chờ thêm thời gian. Song những vấn đề phát sinh từ thực tế sinh động hiện nay đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần quan tâm giải quyết. Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, từng nhấn mạnh: Việc bỏ sổ hộ khẩu không phải là bỏ việc quản lý con người mà chỉ là thay đổi cách thức quản lý. Sự đổi mới này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành, cơ quan để thực sự hiệu quả, đem lại sự thuận tiện hơn cho người dân.