pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Hội LHPN Việt Nam: Phối hợp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga ký kết Chương trình phối hợp chiều 12/8
Phát biểu tại Lễ ký kết, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã và Tổ hợp tác cũng có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nữ, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.
"Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, năng động, tích cực và tâm huyết của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong nhiều năm qua đã có những đóng góp tích cực trong triển khai các hoạt động thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đề án 939 về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" đã được triển khai tích cực, kịp thời hỗ trợ, lan tỏa nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó, nghiên cứu ra các sản phẩm, mô hình kinh doanh sáng tạo, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào phụ nữ, trẻ em gái tại các vùng dân tộc thiểu số, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình, đóng góp cho xã hội.
Tại Lễ ký kết, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" tuy mới triển khai hơn 1 năm, song các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập mới 1.214 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý với trên 20.000 thành viên và 12.000 tổ hợp tác với trên 32.000 thành viên, trong đó có trên 70% là hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn; thu nhập bình quân của thành viên đạt trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Đề án 939 qua gần 7 năm triển khai đề án đã hỗ trợ hơn 78.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 5.900 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý; 57.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hàng năm với các chủ đề bám sát định hướng ưu tiên của Chính phủ và mối quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp đã thu hút được sự tham gia ngày càng đông phụ nữ ở nhiều thành phần, độ tuổi, dân tộc; cũng như thu hút được sự quan tâm, đồng hành, vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương.
"Tuy đã có nhiều chính sách, hoạt động, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng vẫn còn những khó khăn, rào cản chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của phụ nữ trong phát triển doanh nghiệp, xây dựng hợp tác xã. Đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số, yêu cầu của phát triển bền vững. Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Bên cạnh đó, các mô hình khởi nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý chưa đồng đều ở các khu vực, tập trung chủ yếu ở phía bắc, các vùng số lượng hợp tác xã còn rất thấp như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long" - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Hội LHPN Việt Nam tặng quà lưu niệm
Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp gồm 4 nội dung. Chương trình nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã năm 2023 và thực hiện các Đề án của Chính phủ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
4 nội dung chính của Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2024 -2027
- Xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể.
- Phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
- Phối hợp thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.
- Phối hợp thực hiện nghiên cứu, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai bên.