Bố “lột xác” sau buổi tổ chức sinh nhật cho con trai ở nhà hàng

08/11/2017 - 07:12
Từ trước tới nay, cậu con trai lớp 8 Mai Quốc Tùng (Q. Tây Hồ, Hà Nội) vẫn cảm thấy xa cách với người bố nghiêm khắc, thiếu công bằng. Thế nhưng, mới đây, sau buổi sinh nhật do bố tổ chức, cậu thấy bố như trở thành người khác.
Với Tùng, bố trước đây là một người rất xa cách, khó chạm tới. Ảnh minh họa

Bố mẹ ly hôn cách đây không lâu nên Tùng ở với bố. Trước kia, bận công việc làm ăn nên bố Tùng đẩy việc chăm sóc con cái cho vợ. Tùng lớn lên trong sự gần gũi, yêu thương, dạy dỗ của mẹ. Bố thường xuyên đi tiếp khách về muộn nên chẳng ngó ngàng gì tới con trai. Nếu hôm nào về nhà sớm, bố chỉ quan tâm, chiều chuộng con gái út.

Bố Tùng quan niệm, nuôi dạy con trai phải rất nghiêm khắc, không chiều chuộng vì sẽ khiến con sinh hư. Ngược lại, với con gái, anh lại chiều vô đối và đáp ứng mọi yêu cầu của con. Sự đối xử trái ngược của bố với 2 anh em khiến Tùng không ít lần chạnh lòng. Cậu có thể bị đánh chỉ vì ăn chậm hay có hành động khiến bố “ngứa mắt”.  

Với việc học tập, bố càng nghiêm khắc và đòi hỏi ở Tùng nhiều hơn em gái. Chỉ cần bị điểm kém, Tùng mặc nhiên bị ăn đòn mà không có cơ hội giải thích, trình bày. Bố Tùng quan niệm, nếu con trai không học giỏi thì sau này không làm nên trò trống gì.

Không bao giờ có chuyện bố Tùng ngồi nói chuyện, chia sẻ với con trai. Thế nên, Tùng cảm thấy có khoảng cách rất xa với bố. Bố chỉ biết đòi hỏi ở Tùng chứ không bao giờ hỏi con muốn gì, nghĩ gì.

Khi phải sống cùng bố, Tùng cảm thấy vô cùng ức chế. Bố sẵn sàng bỏ tiền cho Tùng đi học thêm thầy cô giáo dạy giỏi và đồng nghĩa với việc bố đòi hỏi cậu cao hơn về việc học. Chỉ cần cậu bị điểm kém thì về nhà sẽ nghe “bài ca” bất tận từ bố.

Chỉ cần cậu sống bừa bãi, luộm thuộm là sẽ nhận được cái quắc mắt đến rợn người từ bố. Nhiều lúc, cậu cảm thấy stress khi tâm lý thay đổi ở tuổi dậy thì mà không thể chia sẻ cùng bố. Cậu mong nhận ở bố nhiều hơn chứ không phải chỉ đơn thuần là một người nuôi cậu đầy đủ vật chất, cho cậu tiền đi học ở nhiều nơi.

Bố "lột xác" khi đã chạm đến trái tim của con từ những hành động hợp với tâm lý tuổi teen. Ảnh minh họa

Thế nhưng, tuần trước, cậu cảm thấy bố như “lột xác”, là một người bố khác chứ không phải là người bố xa cách, khắt khe hàng ngày, khi bố tỏ ra vô cùng đáng mến và hiểu tâm lý của con. Vào ngày sinh nhật của cậu, bố cho phép cậu mời các bạn ở lớp đến dự tiệc ở nhà hàng.

Không những cậu và các bạn được ăn uống thoải mái mà ngày hôm đó bố đã chuyện trò, hỏi han các bạn rất nhiều về tình hình trường lớp, bạn bè, mối quan tâm của các bạn ở lứa tuổi này. Cách nói chuyện của bố cũng rất hài hước, thoải mái chứ không “khô không khốc” như trước đây. Bố còn kể cho các bạn nghe về tuổi thơ của bố và bố không quên lồng vào chuyện bố đã cố gắng, nỗ lực để có sự thành công như ngày hôm nay.

Chỉ buổi sinh nhật đáng nhớ đó thôi mà Tùng đã cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ bố. Cậu còn cảm thấy hạnh phúc hơn khi sau đó bố thường chuyện trò với cậu như “hai người đàn ông” và nhờ đó cậu dễ dàng nói với bố những tâm tư, tình cảm của mình.

Tùng nhận ra, trước đây bố vẫn là người bố tốt, chỉ có điều bố đòi hỏi, kỳ vọng vào cậu hơi cao. Sẵn mang tâm lý “ghét” nên nhiều việc tốt bố làm cậu không nhận ra. Cậu không biết nhờ đâu mà bố thay đổi, nhưng cậu hy vọng những tháng ngày sống cùng với bố tới đây sẽ là những ngày tháng hạnh phúc vì bố đã chạm đến trái tim cậu bằng những hành động hợp với tâm lý tuổi teen. Chỉ những người thật lòng yêu thương con mới có thể làm điều đó cho con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm