Bố mẹ đã gieo rắc những “hạt giống” bạo lực

Nhật Minh
14/07/2021 - 20:00
Bố mẹ đã gieo rắc những “hạt giống”  bạo lực

Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ giận dữ khi biết con đầu têu trong các vụ bạo lực học đường. Thế nhưng, họ không biết, chính cách dạy dỗ của mình đã tạo ra đứa trẻ thích “nói chuyện” với bạn bằng nắm đấm.

Từ nhỏ, chỉ cần làm sai việc gì, Bình đều bị bố dùng đòn roi để phạt. Nhiều lúc chỉ vì thấy con "ngứa mắt", bố cậu cũng có thể "nổi điên" và đánh con. Bị điểm kém, bị cô giáo nhắc nhở vì không tập trung trong giờ học, vi phạm kỷ luật lớp học... thì Bình "chết đòn" với bố. Có lần, trong bữa ăn, chỉ vì Bình ăn chậm, vừa ăn vừa nghịch, Bình đã bị bố cầm chiếc đũa đánh liên tiếp vào mặt.

Những năm học tiểu học, Bình không biết kiềm chế cảm xúc. Nếu bạn bè trêu chọc, giật đồ chơi, cậu sẵn sàng "nhảy vào" đấm đá bạn. Bước vào tuổi dậy thì, xu hướng bạo lực trong Bình càng phát triển. Nếu thấy bạn bè nào "ngứa mắt", cậu không ngần ngại dùng vũ lực với bạn.

Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Hội quán "Các bà mẹ"), bạo lực học đường có mầm mống từ gia đình. Một đứa trẻ chưa từng bị người thân đánh mắng nhưng phải chứng kiến cảnh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" của bố mẹ để giải quyết mâu thuẫn, sẽ ngộ nhận rằng, chỉ những người thân mới có quyền làm đau nhau để "dạy dỗ", "uốn nắn" cho tiến bộ. Một đứa trẻ thường phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc từ phụ huynh theo kiểu "thương cho roi cho vọt" kèm lời giáo huấn "cha mẹ có thương thì mới đánh mày, để mai sau nên người" sẽ bị định hướng rằng mình có lỗi thì phải bị đòn và dễ chấp nhận bị người khác bạo hành vì lý do tương tự.

Nhất là khi đứa trẻ bị đánh mà không được phép la khóc hoặc bỏ chạy thì đứa trẻ sẽ hiểu rằng chỉ khi nhận hết hình phạt mới được "xóa nợ", "đền tội", "trả giá", nếu không sẽ bị đánh đau hơn, nhiều hơn.

Có trẻ được bố mẹ, người thân "dạy" không nên can bạn đang đánh nhau kẻo lụy vào thân, thấy chuyện bất công thì lờ đi, không tham gia, nếu chẳng may bị gây sự thì nhịn, né, cho qua.

Có trẻ chứng kiến thái độ trịch thượng, bất chấp, khinh khi, thương hại, rẻ rúng của cha mẹ đối với những người yếu thế, kém cỏi, hoặc chính mình bị mỉa mai là "đần độn", "vô tích sự" sẽ tự rút ra kết luận rằng, xấu xí và dốt nát thì không đáng được yêu thương, tôn trọng. Có em thấy người nhà kể chuyện, bình luận, chửi bới xã hội bất công, ỷ giàu có, chuyên giải quyết mọi việc bằng tiền đã tin vào "nén bạc đâm toạc tờ giấy" nên không còn tin vào công lý, lẽ phải, sự trung thực.

Nhiều gia đình không kiểm soát con tiếp cận các ấn phẩm báo chí, sách, truyện tranh, video clip, hình ảnh mang tính bạo lực. Buông lỏng quản lý việc con sử dụng internet, tạo cơ hội cho trẻ chịu ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi điện tử có tính bạo lực trên mạng xã hội.

Theo bác sỹ Nguyễn Lan Hải, trong gia đình, cha mẹ cần có mối quan hệ tôn trọng, tin cậy, bình đẳng, lắng nghe con và có cách dạy con hợp lý. Ngừng gieo rắc những "hạt giống" bạo lực vào tâm hồn con theo những cách như đã phân tích ở trên. Cha mẹ cần vun bồi cho con kỹ năng sống để khi bị bắt nạt, trẻ biết cách dùng lời nói, hành động tự vệ và kêu gọi sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn học... Cha mẹ cần quan tâm tới các mối quan hệ bạn bè của con nhưng đừng kiểm soát con khắt khe, làm con có cảm giác bị trói buộc, không thể chia sẻ cùng cha mẹ. Cha mẹ cần hướng dẫn con tìm cho mình những người bạn đáng tin cậy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm