Trẻ em cần sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ

N.A
11/07/2021 - 08:21
Trẻ em cần sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero”

Ở bất kỳ độ tuổi nào, người lớn hay trẻ em ít nhiều cũng sẽ gặp những rắc rối, mâu thuẫn xoay quanh các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày. Việc giải quyết mâu thuẫn với người lớn đã là thách thức, đối với trẻ em việc này còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong lúc này, điều trẻ cần nhất là sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ.

Nhằm hỗ trợ các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc con cái, Tổ chức World Vision Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" vào ngày 10/7.

Cha mẹ cần nhận thức rõ hơn về vai trò, ảnh hưởng của mình với con cái

Mục đích chính của buổi tọa đàm là chia sẻ các góc nhìn và cách thức để cha mẹ, người chăm sóc hỗ trợ trẻ em đối mặt, hành xử phù hợp và giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong cuộc sống. Đặc biệt, sự kiện là dịp để cha mẹ nhận thức rõ hơn về vai trò, ảnh hưởng của mình lên cách xử lý mâu thuẫn của con cái, từ đó điều chỉnh lời nói, thái độ và hành động để góp phần vun đắp cho tương lai của trẻ, nơi tình yêu thương, sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau luôn hiện hữu.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công việc lắng nghe, tiếp nhận và gỡ rối những tâm sự của lứa tuổi trẻ em, vị thành niên, tại buổi tọa đàm, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình là điều rất phổ biến. Cha mẹ cần để tâm đến con cái, đừng để mất sợi dây kết nối với các con. Chỉ khi thật sự để tâm, cha mẹ mới có thể nhận thấy những vấn đề con cái đang phải đối mặt.

Nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ: "Có nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rằng, những mâu thuẫn họ gặp với bố mẹ ngày trước nay cũng lặp lại như vậy với con của mình. Cũng có nhiều bạn đã gửi thư đến tôi chia sẻ rằng: Tại sao bố mẹ không nghe con, Tại sao bố mẹ không tin con, Tại sao bố mẹ không hiểu con?… Chúng ta từng là trẻ con, từng bức xúc khi có những khúc mắc với cha mẹ, nhưng giờ lại gặp phải vấn đề đó với con mình. Điều này bắt nguồn từ tình yêu thương, tuy nhiên chính yêu thương khiến nhiều cha mẹ lo sợ quá, áp đặt, kìm kẹp con, quên mất việc lắng nghe con. Chúng ta nói muốn con được hạnh phúc, nhưng chỉ khi bố mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc được. Nhiều người không biết rằng, đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự hiện diện, lắng nghe của bố mẹ mình".

Trẻ em cần sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam

Để giải quyết mâu thuẫn của trẻ em trong mối quan hệ gia đình, bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam, đưa ra gợi ý: "Cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0, là không đáng gì vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Việc đầu tiên là cha mẹ hãy quan tâm khi con trẻ có vấn đề, phát hiện và hỗ trợ xem vấn đề của con là gì để cùng tìm hiểu và giúp đỡ con. Sau đó, khi đã rõ về vấn đề thì mới xét đến chuyện bố mẹ cùng con xử lý mâu thuẫn hay để con tự xử lý".

Theo bà Phan Thị Kim Liên, các bậc phụ huynh cần xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái bằng những hành động nhỏ như việc nói lời yêu thương, lời xin lỗi, hỏi thăm. Những việc làm như thế tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có tác động rất phi thường vì sẽ tạo nên sự thân thiết, niềm tin của con cái với bố mẹ, là động lực lớn với trẻ.

Đồng hành cùng con cái bằng tình yêu thương và sự tôn trọng 

Ngoài những mâu thuẫn trong gia đình, trẻ em có thể gặp phải những vấn đề ở bên ngoài như trường lớp, bạn bè và trên mạng internet. Về vấn đề này, nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh: "Trong khi nhiều cha mẹ coi chuyện của con là "chuyện trẻ con", một số người lại xem những chuyện nhỏ của con là "chuyện người lớn", dẫn đến việc hành xử, xử lý vấn đề không sáng suốt. Khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn bằng thái độ bực tức, nóng nảy, lời lẽ không phù hợp hay thậm chí dùng bạo lực thì liệu các con sẽ học được điều tốt đẹp gì? Con cái chính là bản sao, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chúng ta".

Trẻ em cần sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ - Ảnh 2.

Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú tại buổi tọa đàm

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: "Khi cuộc sống càng phát triển, mâu thuẫn sẽ càng phát sinh. Các thành viên trong gia đình có quyền ngang nhau và tất nhiên trẻ em cũng có sự tham gia tương đương với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cha mẹ, đặc biệt các phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, không được tiếp cận với việc giáo dục làm cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra những chỉ tiêu về số lượng cha mẹ được tiếp cận thông tin, hướng dẫn làm cha mẹ, trong đó, có những tài liệu hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ với con, cách nói chuyện với con, hướng dẫn cho con".

Theo ông Khuất Văn Quý, để có thể hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, Vụ Gia đình đã thực hiện các chương trình như Giáo dục hệ thống Gia đình, trong đó biên tập các bộ tài liệu giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện những nghiên cứu giáo dục trẻ em…

Việc làm cha mẹ giống như thả diều, nếu giữ quá chặt thì diều không thể bay lên, nhưng nếu thả tay ra thì diều sẽ bay đi mất. Giữ từng nào, thả ra sao chính là điều mà cha mẹ cần học hỏi và thực hành mỗi ngày, đặc biệt là khi có mâu thuẫn xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm