Bố mẹ "lắm điều", con dọn đồ sang ở với ông bà

04/10/2017 - 10:22
Chỉ đến khi cô con gái 16 tuổi đùng đùng vác hết đồ sang nhà ông bà nội ở và tuyên chiến sẽ không nói chuyện với bố mẹ, người mẹ mới cảm thấy cách dạy con tuổi mới lớn của mình quá sai.
teen-stress.jpg
Con sống khép kín, không muốn nói chuyện với ai trong gia đình. Ảnh minh họa

Chị Lê Thị Thu (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) buồn bã cho biết, trước khi sang nhà ông bà nội ở, cô con gái còn viết một tin nhắn: “Con sẽ ở nhà ông bà nội đến khi bố mẹ hết thói cằn nhằn, than thở về con, hết bảo con “phải thế này, phải thế kia”… Sang nhà ông bà nội, dù bà cũng khó tính, nhưng có ông thoải mái và ông hiểu con. Con và ông còn có thể nói chuyện được với nhau. Tốt nhất bố mẹ đừng can thiệp, thỉnh thoảng con sẽ về thăm bố mẹ”…

Con gái chị Thu vốn là đứa trẻ rất lì và bướng. Đặc biệt, từ khi bước vào tuổi teen, cô bé hầu như sống khép kín, không muốn nói chuyện với ai trong gia đình. Đến giờ là đi học và về đến nhà thì lầm lầm, lì lì. Bố mẹ hỏi cũng không nói hoặc nếu có thì cũng là trả lời cho xong và không có thói quen chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ muốn biết tình hình của con ở trường thì phải thông qua cô giáo hoặc bạn bè của con. Bố mẹ và con cái sống cùng mái nhà nhưng rất xa cách.

Điều tồi tệ nhất xảy ra gần đây khi người bố nhìn thấy con gái được một bạn trai cùng lớp học thêm đưa về. Lo chuyện tình cảm ảnh hưởng đến học hành của con nên người bố đã quát mắng, đe nẹt con gái khiến nhà cửa ầm ĩ mấy ngày. Từ hôm đó, con gái tuyên chiến không trò chuyện với bố. Cô bé tránh mặt bố mọi lúc mọi nơi. Đến bữa, cô sang nhà bà ngoại ăn cơm, buổi tối sang ngủ ở với dì.

Người mẹ thú nhận, để tình hình tồi tệ đến mức này là do đã có nhiều thời gian “bỏ rơi” con. Thời gian con học cuối cấp tiểu học và trong suốt mấy năm THCS, vì bận mở công ty và có con thứ hai nên không thể gần gũi con gái. Thời điểm đó, con lủi thủi chơi một mình và sau này trở thành thói quen của con.

teen-1.jpg
Nếu cha mẹ không xây dựng cầu nối giao tiếp với con lúc nhỏ, thì con càng lớn sẽ càng khó chia sẻ với bố mẹ. Ảnh minh họa

Giờ con bước vào tuổi teen, người mẹ muốn chia sẻ, muốn hiểu tâm tư, tình cảm của con cũng khó bởi con đã giữ thói quen làm tất cả mọi chuyện một mình, quyết định mọi việc một mình. Sai lầm hơn nữa là thấy con như vậy, thay vì kiên trì, từng bước một để lấy lại tình yêu từ con thì bố mẹ lại bắt ép, gây căng thẳng, dùng quyền của bố mẹ để can thiệp khiến con không thể chịu đựng, đến mức muốn đi khỏi nhà.

Chia sẻ về câu chuyện này, chị Nguyễn Thu Hằng, bác sĩ chuyên khoa nhi, bác sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em, đang theo học tại Pháp về Tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành, cho biết: Nuôi dạy con là cả một quá trình, ngay cả những lúc bận bịu khó khăn nhất, cha mẹ vẫn cần dành khoảng thời gian nào đó cho con.

Nếu cha mẹ không xây dựng cầu nối giao tiếp với con lúc nhỏ, thì càng lớn sẽ càng khó chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ. Nguyên tắc là cần bắt đầu từ nhỏ và liên tục theo hướng cởi mở, tích cực, động viên khuyến khích nhiều hơn phán xét, dạy dỗ cứng nhắc...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm