Vai trò của acid folic
Acid folic còn có thể làm giảm mức độ homocysteine. (homocysteine tăng cao dễ dẫn đến bệnh tim). Ngay cả khi mức độ homocysteine bình thường, việc thiếu acid folic cũng gây ra bệnh mạch máu ngoại vi và bệnh mạch vành.
Acid folic còn được sử dụng để hạn chế chứng mất trí nhớ, bệnh mất trí, nghe kém do tuổi tác, giảm dấu hiệu lão hóa, xương yếu (loãng xương), chân bồn chồn, khó ngủ, trầm cảm, đau thần kinh, đau cơ bắp, bệnh bạch biến và hội chứng Fragile-X.
Với phụ nữ
Acid folic đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp các tế bào máu cho cơ thể, chúng giúp tạo ra các tế bào mới, bao gồm hồng cầu nên cần bổ sung đầy đủ acid folic cho phụ nữ mang thai giúp ngăn được tình trạng thiếu máu, tránh xảy ra các trường hợp sẩy thai, sinh non, dễ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh.
Với nam giới
Acid folic có ảnh hưởng rất lớn đến tinh trùng ở nam giới. Nếu lượng acid folic trong cơ thể quá ít, sẽ gây ra nhiều hoặc ít nhiễm sắc thể trong tinh dịch, khiến đứa trẻ sinh ra dễ bị các bệnh về nhiễm sắc thể, chẳng hạn như Down, nguy cơ mắc ung thư khi lớn lên cũng sẽ cao hơn so với người bình thường, tỷ lệ mắc các vấn đề khiếm khuyết về não và cột sống cũng tăng cao hơn 30%.
Nam giới nếu bổ sung acid folic đầy đủ, sẽ giảm nguy cơ bất thường của tinh trùng tới 30%. Không chỉ có tác dụng giúp tăng cường chất lượng tinh trùng, acid folic còn gia tăng khả năng có con cũng như tỷ lệ thụ thai ở cả hai.
Bổ sung acid folic tốt cho thai nhi
Vai trò chính của acid folic là giúp các tế bào ống thần kinh của thai nhi phát triển bình thường, tránh dị tật ống thần kinh, nằm xung quanh hệ thần kinh trung ương do các ống này không khép kín và những dị tật về não, tủy sống như trẻ không có não và hộp sọ thường khó sống lâu hoặc tật nứt đốt sống gây khuyết tật vĩnh viễn, tránh các dị tật khác: Sứt môi, hở vòm miệng...
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng phụ nữ mang thai bổ sung đủ acid folic thì thai nhi có thể phát triển nhanh hơn, hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn từ người mẹ.
Thông thường, lượng rau, trái và thức ăn có thể đáp ứng nhu cầu acid folic, tuy nhiên, dự trữ acid folic ở nhiều chị em không đủ để cung cấp nhu cầu trong suốt thai kỳ. Do đó, phụ nữ trước khi mang thai cần bổ sung acid folic trước để tăng dự trữ của cơ thể.
Tốt nhất là nên dùng acid folic ít nhất 3 tháng trước khi muốn có con và liều dùng trước khi mang thai là khoảng 400 microgam/ngày. Và dừng bổ sung khi hết 3 tháng đầu thai kỳ, nếu có điều kiện, có thể duy trì suốt thai kỳ. Một số phụ nữ, chẳng hạn như những người từng có một thai kỳ bị ảnh hưởng bởi dị tật ống thần kinh hoặc phụ nữ bị bênh hồng cầu liềm, có thể cần lượng acid folic nhiều hơn.
Việc bổ sung acid folic cũng có thể dễ dàng thực hiện bằng thay đổi chế độ dinh dưỡng, bổ sung một số loại thực phẩm giàu loại vitamin vào thực đơn hàng ngày. Những loại thực phẩm giàu acid folic gồm: Cải xoăn, bông cải xanh, đậu lăng, cải bó xôi, nước cam, măng tây, cà rốt, cà chua, dưa vàng, dâu tây, lê, kiwi, chuối, lựu, nho, táo, nấm, đậu tương,hạt dẻ, hạnh nhân, thịt gia cầm, thịt bò, thịt dê, trứng, đậu cove, đậu phộng, bơ, bánh mì, mì ống, gạo, ngũ cốc, gan động vật... Đặc biệt lượng acid folic ở gan gà là 1172,2 microgam/100g, gan lợn 425,1 microgam/100g, đậu tương 181,1 microgam/100g, đậu phộng (lạc) 107,5 microgam/100g, hạt óc chó 102,6 microgam/100g, nha đam 85-120 microgam/100g, yến mạch 190 microgam/100g...
Bổ sung acid folic sớm trước khi có kế hoạch mang thai là một việc làm rất quan trọng, nhưng cần dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ để sử dụng liều lượng phù hợp.