pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bổ sung sắt cho bé: Mẹ đang làm theo 4 cách này coi chừng hại con!
Sắt là một loại vi chất có vai trò rất quan trọng để tăng cường miễn dịch, đặc biệt với trẻ nhỏ. Thiếu sắt khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, trẻ dễ ốm đau. Đối với trẻ mới sinh bị thiếu sắt, cơ thể rất kém phát triển. Bổ sung sắt do đó là việc mẹ luôn cần làm kịp thời cho con, tránh những hệ lụy đáng tiếc về lâu dài.
ThS.BS Trương Minh Đạt (Chuyên gia về Tiêu hóa, Hô hấp và Sữa cho trẻ em, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Y dược) cho biết, trong thực tế có rất nhiều trường hợp bổ sung sắt cho con sai lầm. Điều này cũng tai hại không kém việc không bổ sung sắt cho con. Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần thay đổi ngay những sai lầm, đồng thời đưa ra thời điểm bổ sung sắt tốt nhất cho con, giúp trẻ tăng miễn dịch, phát triển toàn diện.
4 cách bổ sung sắt cho bé cực sai lầm, mẹ cần thay đổi gấp
1. Bổ sung sắt cho con bằng cách cho ăn nhiều củ dền
BS Đạt kể, rất nhiều bà mẹ nhắn tin hỏi anh rằng bổ sung sắt cho con bằng củ dền liệu có sao không? Họ cho rằng sắt rất khó hấp thu vào cơ thể nên bổ sung bằng thực phẩm giàu sắt sẽ tốt hơn cho con mình. Củ dền có màu đỏ rất bắt mắt, hẳn rất giàu sắt, bổ máu… Nghe xong, chuyên gia cũng cảm thấy sợ hãi.
"Các bạn nghĩ rằng củ dền màu đỏ thì có nhiều sắt nhưng thực ra không phải như vậy. Nghiên cứu cho thấy, trong củ dền có chứa nhiều nitrat. Nếu cho trẻ dưới 10 tháng dùng thường xuyên thì có thể gây ngộ độc thực phẩm", BS Đạt cho hay.
2. Cứ bổ sung sắt cho con mà không cần đi xét nghiệm
Nhiều người cho rằng trẻ nhỏ đứa nào cũng thiếu sắt dù ít dù nhiều. Thế nên, con đến tuổi bổ sung sắt là mẹ cứ cho uống kéo dài, không cần đi xét nghiệm. Suy nghĩ này thực sự sai lầm. Chuyên gia cảnh báo, trong thực tế có những đối tượng không được bổ sung sắt.
Những đối tượng đó bao gồm: Trẻ bị tan máu bẩm sinh (Thalassemia), bé bị thiếu men G6PD. Trẻ thuộc nhóm đối tượng này nếu bổ sung sắt sẽ bị dư thừa sắt. Điều này khiến các cơ quan nội tạng như gan, thận làm việc quá tải. Về lâu dài sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe của con.
Do đó, trước khi bổ sung sắt cho con, cha mẹ cần lưu ý tình trạng sức khỏe của bé. Có thể làm thêm xét nghiệm để chắc chắn không rơi vào trường hợp trên rồi mới bổ sung cho con theo khuyến cáo.
3. Tăng liều khi thấy con có chuyển biến tích cực
Nhiều mẹ thấy con có những chuyển biến tích cực sau khi bổ sung sắt như da hồng hào lên, trẻ ăn ngon, ngủ ngon… Mừng quá, các mẹ tự ý cho con tăng thêm liều lượng sắt mỗi lần uống vì cho rằng làm thế sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
Điều này vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ vẫn khuyên bạn phải dùng đúng liều cho con. Tự ý cho dùng quá liều có thể gây ra tình trạng thừa sắt, khiến các cơ quan nội tạng hoạt động quá tải. Thậm chí dẫn đến tình trạng ngộ độc sắt rất nguy hiểm.
4. Chuộng những sản phẩm "có rất nhiều thứ trong một thứ"
Cụ thể, nhiều mẹ rất thích một sản phẩm bổ sung sắt có thêm vitamin, lysine, canxi… Nghe có vẻ rất thú vị khi con bạn được bổ sung cùng lúc bao nhiêu loại vitamin, vi chất khác nhau. Thế nhưng điều này vô tình gây cản trở hấp thụ các chất.
Nhất là sắt. Sắt rất khó hấp thu nếu bạn cùng lúc uống thêm những thành phần trên. Nếu uống sắt kiểu này thì hiệu quả hấp thu chắc chắn không cao. Con bạn rất dễ thiếu máu do thiếu sắt dù đã bổ sung nhiều đợt kéo dài. "Hãy bổ sung sắt riêng biệt. Đó là cách bổ sung sắt tốt nhất", BS Đạt nhấn mạnh.
2 nhóm trẻ nhỏ cần bổ sung sắt dự phòng
Đừng đợi đến khi con có dấu hiệu thiếu sắt (mệt mỏi, da nhợt nhạt...) mới bổ sung. Các chuyên gia Nhi khoa nhận định, trẻ nên bổ sung sắt dự phòng vào các thời điểm cụ thể:
1. Đối với trẻ sinh non, trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân
Nhóm đối tượng này cần bổ sung sắt từ tuần thứ 2 sau sinh để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Chú ý bổ sung theo đúng lời khuyến cáo của bác sĩ.
2. Đối với trẻ sinh đủ tháng đủ ngày
Từ tháng thứ 4 sau sinh, nhóm trẻ này cần bổ sung sắt dự phòng. Tuyệt đối không bổ sung quá liều để đảm bảo sự an toàn cho con bạn.
Dù là trẻ sinh non hay đủ tháng đủ ngày, miễn là không nằm trong các nhóm đối tượng đặc biệt, chuyên gia khuyên: Hãy bổ sung sắt cho con liên tục đến khi 1 tuổi để phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt.