Bộ Tài chính: Chính sách thuế hỗ trợ gián tiếp song tuân thủ cam kết quốc tế

Quảng-Hạnh
12/05/2025 - 16:33
Bộ Tài chính: Chính sách thuế hỗ trợ gián tiếp song tuân thủ cam kết quốc tế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Ban soạn thảo chú trọng đến việc xây dựng các phương thức khuyến khích sản xuất kinh doanh đồng thời tuân thủ các cam kết theo hiệp định quốc tế.

Ngày 12/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là các phương thức hỗ trợ gián tiếp được đặc biệt quan tâm để đảm bảo không vi phạm các cam kết quốc tế.

Rà soát hệ thống ưu đãi thuế

Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, ưu đãi thuế… Đặc biệt là về miễn thuế đối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bù trừ lãi lỗ giữa hoạt động kinh doanh bất động sản với các hoạt động kinh doanh khác, trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Sau khi nghe các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, ông cũng làm rõ thêm một số nội dung chủ yếu được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

"Tại kỳ họp thứ 8, trên cơ sở rà soát các pháp luật về thuế hiện hành, pháp luật về đầu tư và cũng căn cứ vào tình hình xu hướng chung của quốc tế, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi lĩnh vực, địa bàn ưu đãi," Bộ trưởng Thắng cho biết.

Theo đó, ưu đãi thuế sẽ tập trung khuyến khích sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát kinh nghiệm quốc tế và xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi của các nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh thực hiện trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu. Việc này nhằm xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài đồng thời vẫn đảm bảo khuyến khích được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân.

"Trong quá trình khi thực hiện trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu thì chúng tôi phải tính toán và tham mưu cho Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền để làm thế nào triển khai hỗ trợ lại được cho các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các phương thức để hỗ trợ gián tiếp và đảm bảo không vi phạm các cam kết hiệp định quốc tế mà Việt Nam đang tham gia," Bộ trưởng Thắng khẳng định.

Để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế.

"Về nguyên tắc, các ưu đãi thuế được quy định trong các văn bản luật về thuế đồng thời phải chấm dứt việc lồng ghép chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính tổng thể, nhất quán và dễ thực hiện khi các hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp triển khai thực hiện," Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các luật chuyên ngành có quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các luật mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 cũng như các luật dự kiến trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của chính sách.

Bộ Tài chính: Chính sách thuế hỗ trợ gián tiếp song tuân thủ cam kết quốc tế- Ảnh 1.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế. (Ảnh: Vietnam+)

Thể chế hóa Nghị quyết 57

Bộ trưởng Thắng cho biết trong nhiều năm gần đây, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của cả nước và gắn với đó là rất nhiều chính sách ưu đãi vượt trội được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, tại dự thảo Luật lần này, Cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung các ưu đãi đột phá hơn so với quy định hiện hành liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cụ thể, dự thảo bổ sung "khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo chuyển đổi số" là khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và "khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp" là khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo cũng bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định mức chi bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng đối với khoản chi trong hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định mức chi bổ sung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo chuyển đổi số là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và bổ sung Tổ chức khoa học-công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận vào đối tượng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Liên quan đến các khoản chi phí được trừ, Bộ trưởng Thắng cho biết Chính phủ trình Quốc hội quy định các khoản chi không tương ứng với doanh thu có tính thuế sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập chịu thuế doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tiễn có một số khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không tương ứng với doanh thu tính thuế (như chi phí đấu thầu, chi phí nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm).

"Trên cơ sở rà soát, dự thảo Luật cũng đã bổ sung một số khoản chi được tính vào chi phí, được trừ khi xác định thu nhập thuế chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng tôi cũng xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục rà soát để làm sao đưa ra được danh mục đầy đủ nhất có thể," Bộ trưởng Thắng nói.

Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập theo định hướng của Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Thắng cho biết Cơ quan soạn thảo đã tính toán hết và đưa vào dự thảo hai nội dung quan trọng.

Thứ nhất là miễn thuế đối với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập, bao gồm dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành, dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ công tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ hai là đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Về vấn đề thời hiệu của Luật, Bộ trưởng Thắng cho biết Cơ quan soạn thảo thống nhất sẽ đưa vào dự thảo thời hiệu thi hành từ ngày 1/10/2025. Theo đó, Cơ quan soạn thảo sẽ chỉ đạo quyết liệt để kịp thời xây dựng các nghị định hướng dẫn, đảm bảo từ ngày 1/10 có thể thực hiện được ngay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo, tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ông cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện luật.

"Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu hoặc giải trình thuyết phục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Nguồn: VNP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm