pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nỗ lực rất lớn để tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Về điều chỉnh mức lương cơ sở, Ngân sách nhà nước chi tăng thêm hơn 188 ngàn tỷ đồng để thực hiện tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ 1/7/2024.
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng thêm 68,3%) cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024. Trong đó, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.
Đối tượng nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/1995 (quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2024/NĐ-CP), sau khi điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nếu trên: Những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng. Những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo mức điều chỉnh trong tháng 7/2024:
Có 3.121.270 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, trong đó số người do ngân sách nhà nước bảo đảm là 852.820 người; số người do quỹ bảo hiểm bảo đảm là 2.268.450 người;
Hơn 190.000 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/1995 có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng;
Dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2024 là 16,786 nghìn tỷ đồng (trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 3,597 nghìn tỷ đồng và từ quỹ bảo hiểm xã hội là 13,189 nghìn tỷ đồng).
Về điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tại Nghị định số 77, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ ngày 01/7/2024 là 2.789.000 đồng (tăng 35,7%).
Về điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại Nghị định số 76, mức chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 01/7/2024 là 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%); Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Cụ thể, có 63/63 địa phương (100%) đã chi trả khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho khoảng 3,4 triệu người (trong đó: Khoảng 1,4 triệu người cao tuổi; 1,7 triệu người khuyết tật; 15 nghìn trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 126 nghìn trẻ em dưới 3 tuổi; 80 nghìn người đơn thân nghèo đang nuôi con; 412 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 01/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Điều này đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, phát biểu
Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, cho biết: Việc thống nhất, triển khai thực hiện cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội.
Tuy nhiên, chưa có số liệu cụ thể về số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo từng cấp, từng khu vực, theo địa phương… tương ứng với số kinh phí chi trả tiền lương để có đánh giá tổng thể, thực chất về tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi ngân sách nhà nước một cách chính xác.
Về chế độ tiền thưởng, theo báo cáo, dự kiến năm 2024 chi 16,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện chế độ tiền thưởng. Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ kết quả thực tế thực hiện nội dung này, trong đó cần phân tách rõ từng nhóm đối tượng được thưởng là cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, người có năng lực nổi trội…; Các vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Quang cảnh phiên thảo luận
Đồng thời đề nghị thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập; yêu cầu nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, nhất là định hướng xây dựng, sửa đổi pháp luật về cán bộ, công chức; về tổ chức chính quyền địa phương; về sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính….
Tạo động lực thực sự để vừa phát huy năng lực, sức sáng tạo, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công, vừa thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị.