Bộ trưởng GD&ĐT: Phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên mầm non

PVH
29/12/2020 - 12:48
Bộ trưởng GD&ĐT: Phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên mầm non

Ảnh minh họa: GD&TĐ

Phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm 2021, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trong đó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe cho học sinh, sinh viên và cán bộ giáo viên…

Đồng thời tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 88 về đổi mới sách giáo khoa theo lộ trình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, trước hết phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

"Chúng tôi đề nghị các địa phương rà soát, xây dựng đề án phát triển giáo viên trong 5 năm tới để chủ động nguồn nhân lực sư phạm. Theo đó, rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn đảm bảo hiệu quả. Bộ GD&ĐT sẵn sàng cùng các địa phương xây dựng, thực hiện có hiệu quả đề án này", ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng GD&ĐT: Phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên mầm non - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Rà soát sắp xếp trường lớp tinh gọn nhưng phải đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh tình trạng có học sinh nhưng không có giáo viên.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo văn kiện đại hội Đảng của địa phương vừa qua, nhiều địa phương đưa ra các chỉ số về xã hội kinh tế trong 5 năm tới, cần quan tâm hơn vấn đề nguồn nhân lực. Bộ GDĐT sẽ cùng với các địa phương tính toán nhu cầu các loại, trình độ nhân lực của địa phương để xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực của địa phương giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, rà soát sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo tại địa phương một cách hợp lý, tiến tới sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo trên toàn quốc.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục đang thực hiện chuyển đổi số rất mạnh. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các Bộ, ngành khác cùng các địa phương đẩy mạnh vấn đề này, trong đó xây dựng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối toàn ngành, để đảm bảo thủ tục hành chính trong ngành giáo dục phải được thực hiện thuận lợi trên môi trường số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm