Bộ trưởng Giáo dục: Đến năm 2026, cần bổ sung 107.000 giáo viên

PVH
27/10/2022 - 16:32
Bộ trưởng Giáo dục: Đến năm 2026, cần bổ sung 107.000 giáo viên

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời trước Quốc hội

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Riêng giáo viên bậc phổ thông và mầm non đang thiếu gần 95.000 giáo viên. Lượng giáo viên thiếu hụt dự báo còn tiếp tục biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc như hiện nay.

Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 27/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nêu ra tình trạng thiếu giáo viên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, đoàn ĐBQH Quảng Bình, cho biết: Ngành giáo dục đang thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non. Một số môn học theo chương trình mới thì không tuyển được giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau đại dịch Covid-19, đời sống của một bộ phận giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn, cần phải có đánh giá và điều chỉnh chính sách.

Đại biểu này cũng đề nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất, trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo. Sự thành bại của đổi mới giáo dục vai trò quyết định là ở nhà giáo, vì vậy cần quan tâm tới chính sách cho nhà giáo. Có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế nhà giáo và đặc biệt là quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng việc dạy học, chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt nhất là những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Số lượng giáo viên thiếu hụt cần phải bù đắp, bổ sung là 107.000 người - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, đoàn ĐBQH Quảng Bình, thảo luận

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Qua tính toán và xác định số lượng giáo viên cần phải bù đắp, bổ sung đến năm 2026 lên tới 107.000 người. Lượng giáo viên thiếu hụt dự báo còn tiếp tục biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc như hiện nay.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nhiều năm về trước số lượng giao viên đã không đủ; công với việc giảm biên chế và nhiều năm việc tuyển dụng nhỏ hơn số nghỉ hưu, nên có tình trạng thiếu cục bộ, khó điều tiết. 

Tình trạng thiếu giáo viên do biến động dịch chuyển về dân số ở một số vùng miền dồn về các thành phố lớn. Các khu công nghiệp thiếu giáo viên do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa. Bên cạnh đó, thiếu giáo viên còn do nhu cầu thực hiện phổ cập mầm non và do tăng số buổi học và yêu cầu chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên/học sinh và tỷ lệ số học sinh/lớp cần đảm bảo chuẩn 35 giáo viên cho tiểu học và 45 học sinh/lớp của bậc trung học.

Tính đến tháng 9/2022, số học sinh là trên 20 triệu em. Trong khi đó số giáo viên vào tháng 9/2015 là có hơn 1 triệu giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến tháng 9/2022 thì có 1,2 triệu giáo viên.

Như vậy, giáo viên chỉ tăng 100.000, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.

Bên cạnh đó, thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển không tuyển dụng. Mặt khác, còn vấn đề thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác. Ngoài ra, việc thiếu giáo viên còn do cần phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông, nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng cho người học. Theo con số thống kê, chỉ riêng giáo viên cho các môn học mới còn thiếu hơn 26.000 giáo viên.

Nêu giải pháp, Bộ trưởng nguyễn Kim Sơn cho rằng, vừa qua Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và xét tuyển dần đến 2026. Riêng năm 2022 được duyệt với chỉ tiêu 27.850 chỉ tiêu. Hiện nay, các Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.

Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu giáo viên nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ còn chưa tuyển được. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc tuyển dụng để có thể đáp ứng được nhu cầu; đồng thời tránh tình trạng dồn chỉ tiêu tuyển vào trong một, hai năm.

Về chính sách tăng lương cho giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là bậc mầm non, chiếm tới trên 40%. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non, tối thiểu tăng từ 35% đến 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo được công bằng, công khai, minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong việc tuyển giáo viên. Phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người không muốn ứng tuyển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm