Bộ trưởng Quốc phòng Đức sẽ trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban châu Âu
03/07/2019 - 14:50
Nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen (60 tuổi) sẽ trở thành nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đầu tiên. Bà cũng sẽ là người Đức đầu tiên đảm nhận vị trí Chủ tịch EC trong 52 năm qua.
Tại Brussels (Bỉ), 28 nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã đi đến thống nhất về danh sách đề cử các chức danh chủ chốt của khối cho nhiệm kỳ mới. Bà Ursula von der Leyen là sự lựa chọn bất ngờ vào vị trí lãnh đạo cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu. Việc đề cử bà Ursula von der Leyen vào vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) được đưa ra sau các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các nước thành viên. Đề cử cho vị trí Chủ tịch EC cần phải được Nghị viện châu Âu thông qua.
Ursula von der Leyen sinh ra ở Brussels và có những năm tuổi thơ ở thủ đô của Bỉ. Bà xuất thân từ một gia đình chính trị giàu có. Cha của bà, ông Ernst Albrecht, từng giữ chức Thống đốc bang Lower Saxony (Niedersachsen) trong 14 năm. Ông gọi cô con gái Ursula với cái tên Roschen (bông hồng nhỏ) và chiều chuộng hết mực. Bà nói trôi chảy cả tiếng Anh, tiếng Pháp và từng học tại trường Kinh tế London những năm 1970, từng sống tại Stanford, California (Mỹ) từ 1992-1996.
Bà Von der Leyen là một bác sĩ và là mẹ của 7 người con. Trong nhiều năm, bà đã đảm đương trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ khi nuôi nấng con cái ở trang trại vùng quê. Nhưng đến năm 2003, với tham vọng cháy bỏng, bà quyết định tiếp bước cha theo nghiệp chính trị. Bà từng là cấp phó của bà Angela Merkel trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từ năm 2010. Bà cũng từng được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Merkel.
Bà Von der Leyen đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hình ảnh của CDU trong thời kỳ lãnh đạo của bà Merkel. Từng là Bộ trưởng Gia đình trong nội các của Thủ tướng Merkel nhiệm kỳ 2005-2009, bà Leyen đã đưa ra các lợi ích khuyến khích các ông bố trông con nhỏ. Bà kêu gọi tăng trợ cấp xây dựng nhà trẻ, để những bà mẹ như bà có thể được thoải mái đi làm sau khi sinh con. Sự năng động của bà đã vấp phải ánh mắt hoài nghi của các nhân vật bảo thủ trong đảng CDU và sự kinh ngạc từ phía cánh tả.
Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Lao động, bà tiếp tục khiến cánh tả "mắt tròn mắt dẹt" và cánh hữu "đứng ngồi không yên" với việc bắt buộc Hội đồng quản trị các tập đoàn phải dành ra một lượng ghế nhất định cho phụ nữ, cũng như đặt ra mức lương tối thiểu.
Đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Đức từ năm 2013, bà Ursula von der Leyen là nhân tố ổn định trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel suốt gần 14 năm cầm quyền của bà Merkel. Bà Merkel nói rằng, bà Ursula von der Leyen nhận được sự tin tưởng lớn từ các nhà lãnh đạo châu Âu, đồng thời nhấn mạnh những đóng góp của bà trong lực lượng của NATO trên biển Aegean đối phó với làn sóng nhập cư, sự trợ giúp của Đức trong việc tuần tra không phận các nước Baltics...
Ngoài ra, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde (63 tuổi) sẽ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bà Christine Lagarde từng là Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Việc làm Pháp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp.
Khi là Bộ trưởng Tài chính Pháp, Christine Lagarde đã nỗ lực theo đuổi không mệt mỏi những cải cách kinh tế thông minh và táo bạo. Trước khi bước vào chính trị, Lagarde đã là Tổng Giám đốc điều hành Baker & McKenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới lúc đó từ năm 2004. Năm 2009, bà được tạp chí Financial Times bầu chọn là "Bộ trưởng Tài chính xuất sắc nhất châu Âu”.
Cuối tháng 6/2011, bà trúng cử Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho nhiệm kì 5 năm bắt đầu từ 5/7/2011. Trong nhiệm kỳ của bà, IMF đã điều hướng cuộc khủng hoảng nợ eurozone, quản lý rủi ro thị trường mới nổi và mối đe dọa của một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Bà Lagarde đã yêu cầu các ngân hàng trung ương chấp nhận tiền ảo như một lựa chọn hợp pháp để cung cấp tiền trong nền kinh tế kỹ thuật số. Giữ chức Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde sẽ là người phụ nữ đầu tiên điều hành chính sách tiền tệ khu vực Eurozone khi nền kinh tế khối đang cần một gói kích thích mới.