pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường: Biến đổi khí hậu tác động lớn đến sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn
Sáng 4/6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường.
Theo kế hoạch, từ sáng 4/6 đến hết sáng 6/6, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang - nêu rõ, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua. Đồng thời cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?
Biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở không chỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà cả miền Bắc và miền Trung
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở không chỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà cả miền Bắc và miền Trung.
Ngoài ra, về sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Khánh cho hay do địa chất của vùng còn non trẻ, vẫn đang tự lún, như từ Cần Thơ giai đoạn 2005 - 2017 lún khoảng 10 cm. Thêm nữa là lượng phù sa trước đây về nhiều, giờ giảm rất lớn gây thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp.
Thứ ba, quá trình phát triển xây dựng các khu dân cư, đô thị hoá, nuôi trồng thuỷ sản, lấn chiếm bờ sông đã làm tăng tải trọng, tác động đến dòng chảy… đã tác động không nhỏ đến việc sụt lún, sạt lở bờ sông.
"Nhất là tình trạng khai thác cát, một nội dung mà hiện các ĐBQH đang rất quan tâm. Vừa qua các địa phương báo cáo có những mỏ cát khai thác lậu, khai thác trái phép dùng vòi hút vô tội vạ, lại gần bờ, rất nguy hiểm…", Bộ trưởng nói.
Ông Khánh cũng cho hay đối với các mỏ cát được cấp phép, dù được đánh giá tác động môi trường nhưng cũng khai thác quá công suất, quá chiều sâu cho phép, khiến lượng phù sa vốn đang ngày một thiếu hụt không kịp lấp đầy khiến tình trạng sạt lở, sụt lún gia tăng.
Nguyên nhân thứ tư do thuỷ triều từ biển chảy vào với tốc độ lớn, xâm nhập mặn cũng làm xói mòn bờ sông.
Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào. Mặt khác, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư cũng như những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở thì phải bố trí lại dân cư.
Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Cuối cùng là phải nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.
Về dự báo, Bộ trưởng cho hay, từ nay đến cuối năm có đợt lũ lụt và mưa lớn nên cần phải lường trước và có kế hoạch ứng phó.
Nêu vấn đề về an ninh nguồn nước, tình trạng hạn hán, suy thoát nguồn nước, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng đây là thách thức lớn và đề nghị có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Về việc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt, ông Khánh cho hay sẽ tập trung tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước. Thêm nữa là điều hòa điều phối đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Phối hợp với các nước trong khu vực như Ủy ban sông Mê Kông đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.