Bộ Y tế đề xuất chưa xem COVID-19 là bệnh lưu hành

Linh Trần
27/06/2022 - 15:41
Bộ Y tế đề xuất chưa xem COVID-19 là bệnh lưu hành

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Y tế vẫn đề xuất COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa phải là bệnh lưu hành.

Ngày 27/6, Bộ Y tế cho biết, Bộ vừa gửi dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới để lấy ý kiến các chuyên gia và người dân. Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa phải là bệnh lưu hành.

Lý giải điều này, Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang xem COVID-19 là đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được.

Trong khi đó, hiện nay virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Do đó, Bộ Y tế đề xuất phương án Bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022 – 2023, trong đó có 2 tình huống:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa. Tuy nhiên, do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong. Các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt,…

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam mà hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa phòng chống đại dịch và quản lý bền vững. Bởi theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, bệnh "lưu hành" là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; đồng thời miễn dịch có được (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Do đó, sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Vì thế tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; hoặc chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành.

Bộ Y tế cho rằng, việc công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể cân nhắc khi WHO công bố hết tình trạng đại dịch hay sự kiện y tế công cộng đáng quan ngại trên toàn cầu và tình hình trong nước tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm