Bộ Y tế dự kiến tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi

12/04/2018 - 22:42
Dịch sởi năm 2013- 2014 đã làm hàng ngàn người mắc, trong đó gần 150 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo, qua theo dõi diễn biến dịch tễ trên thế giới, dịch sởi có chu kỳ 4 năm quay lại 1 lần. Năm 2018 là đủ 1 vòng của chu kỳ dịch nên mọi người cần chủ động đề phòng.
Trong số các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), có một số bé bị bệnh sởi.

Tại một giường bệnh, bé H.T (quê Hưng Yên) đang được các y bác sĩ chăm sóc. Mẹ bé cho biết, trước đó T. bị viêm phổi. Sau 1 tuần điều trị, bé đã ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, bé sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc và có biểu hiện phát ban nên gia đình đưa đến BV thăm khám. Tại BV, bác sĩ chẩn đoán T. mắc bệnh sởi nên được điều trị nội trú.

Theo thống kê của BV Nhi TƯ, từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 trẻ mắc sởi. Trong đó có 1 trường hợp tử vong. Hầu hết, các bé mắc sởi đều ở độ tuổi từ 2 đến 5. Nhiều trường hợp biến chứng nặng nên phải can thiệp thở máy. Qua khai thác tiền sử, hầu hết các bé đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Còn theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận gần 500 trường hợp phát ban nghi sởi. Riêng tại các tỉnh miền Bắc, số bệnh nhi mắc sởi tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
bo_y_te_khuyen_cao_phong_chong_benh_ho_ga.jpg
Tiêm vaccine để phòng bệnh sởi. Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho biết, tại miền Bắc, năm 2013-2014 đã xảy ra dịch sởi lớn làm hàng ngàn người mắc, trong đó gần 150 trường hợp tử vong. Qua theo dõi diễn biến dịch tễ trên thế giới, dịch sởi có chu kỳ 4 năm quay lại 1 lần. Nếu tính ra thì năm nay là đủ 1 vòng của chu kỳ dịch.

Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong số các trường hợp mắc sởi được ghi nhận từ đầu năm 2018 đến nay, có 38,3% là trẻ dưới dưới 9 tháng tuổi - tức chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine phòng sởi, 55 trường hợp không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng, chỉ 10 trường hợp có tiêm vaccine sởi. Điều đó cho thấy, tỷ lệ người chưa có miễn dịch với sởi trong cộng đồng rất lớn, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi ở một số vùng đạt thấp. Đây là những nguy cơ rất lớn khiến dịch sởi có thể bùng phát.

Để đề phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh khi có trẻ em bị sởi nên tránh không lại gần các trẻ khác; trẻ em khỏe không nên đến các gia đình đang có người lên sởi; trẻ chưa mắc bệnh sởi trong 1 gia đình đang có bệnh sởi không được đi học hay đến các nơi đông người trong thời gian 10 ngày. Ngoài ra, biện pháp phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vaccine cho trẻ.  

Trước tình trạng nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi do chưa tiêm vaccine, Bộ Y tế dự kiến sẽ bắt đầu tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm