Trong thai kỳ, nhiều chị em tăng từ 10- 20kg. Lo sợ sau sinh vùng da bụng sẽ bị chảy xệ nên một số chị em chọn cách bóc mỡ bụng khi mổ đẻ. Các chị em cho biết chọn bóc mỡ bụng khi mổ sinh vì “thà đau một lần nhưng được cả hai, vừa sinh em bé, vừa làm đẹp luôn”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là điều không nên bởi nếu vừa mổ sinh, vừa bóc mỡ bụng sẽ có nhiều nguy cơ, nhất là với sản phụ.
TS.Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, việc chị em bóc mỡ bụng trong khi sinh sẽ không có tác dụng bởi chỉ sau một thời gian, lượng mỡ lại trở lại như ban đầu.
Bác sĩ Khải phân tích: Việc phát triển, chuyển hóa các chất trong cơ thể đều do gen chỉ huy quy định. Vì vậy, các bộ phận trong cơ thể chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại. Ví dụ, ngón tay chỉ dài đến độ nhất định rồi dừng lại chứ không dài thêm nữa. Tương tự, việc chuyển hóa các chất trong cơ thể cũng theo cơ chế này.
Với phụ nữ, khi mang thai sẽ tăng cân và tăng mỡ khắp cơ thể chứ không chỉ mình vùng bụng. Tuy nhiên, việc tăng mỡ này cũng chỉ đến độ nhất định rồi dừng lại chứ không thể cứ tăng lên mãi. Một số chị em lo sợ mỡ bụng sau sinh không đẹp, nên thực hiện bóc mỡ bụng trong lúc sinh. Tuy nhiên, bác sĩ Khải cho rằng, việc này không có tác dụng bởi sau khi bóc thì gen chỉ huy tiếp tục tác động và chỉ sau một thời gian, lượng mỡ lại trở lại như ban đầu. Hơn nữa, lượng mỡ tăng và chia đều khắp cơ thể nên chỉ bóc mỡ vùng bụng sẽ không có tác dụng. Thực tế, mỗi lần bóc mỡ bụng cũng chẳng được bao nhiêu.
“Tôi đã gặp một số trường hợp đi bóc mỡ khi sinh. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, mỡ bụng lại trở lại như ban đầu. Trong khi đó, vết sẹo để lại rất xấu”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Đồng Thu Trang, Khoa Đẻ A2 (BV Phụ Sản Hà Nội) nếu bóc mỡ bụng trong khi mổ sinh sẽ rất nguy hiểm bởi đây là lúc sản phụ yếu nhất. Thông thường, một ca mổ bắt con mất từ 10- 30 phút, nhưng khi tiến hành bóc mỡ thì phải thêm vài chục phút nữa. Vì vậy, ngoài việc đối mặt với các nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm khuẩn, băng huyết, tắc mạch huyết khối như các sản phụ thông thường thì với những sản phụ bóc mỡ bụng nguy cơ này sẽ tăng gấp bội.
Hơn nữa, khi mổ đẻ để lấy em bé ra ngoài sẽ có một ít lượng nước ối vào ổ bụng, nếu sản phụ có tình trạng ối vỡ non hay vỡ sớm trước đó thì nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và những vùng lấy mỡ sẽ rất cao do nhiễm nước ối và các loại dịch trong ca mổ đẻ. “Để đảm bảo sức khỏe của mình, chị em không nên vừa mổ sinh, vừa bóc mỡ bụng”, bác sĩ Trang nói.
"Để giảm mỡ sau sinh, chị em chỉ có cách là tập luyện thể thao. Việc luyện tập thể thao thì cơ thể sẽ đốt mỡ và tăng cơ, giúp chị em săn chắc, khỏe mạnh hơn", bác sĩ Trang cho biết thêm.