Bồi đắp các mối quan hệ trong gia đình

Tuệ Lâm
09/07/2024 - 09:03
Bồi đắp các mối quan hệ trong gia đình

Ảnh minh họa

Mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình chính là sợi dây gắn kết tình thân, tinh thần đoàn kết, tạo động lực giúp các thành viên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Xã hội hiện đại với các loại hình gia đình ngày càng đa dạng, đã tác động đến các mối quan hệ truyền thống trong gia đình. 

Trước thực tế đó, việc tạo ra môi trường để các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được phát huy là điều cần thiết. Để gia đình luôn đầm ấm, hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình cần quan tâm và bồi đắp cho các mối quan hệ sau:

Vợ - chồng

Trong gia đình, mối quan hệ vợ - chồng là mối quan hệ cơ bản, tạo nền tảng cho gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc. Đã xa rồi thời "trọng nam khinh nữ", "chồng chúa - vợ tôi". Mối quan hệ vợ-chồng ngày nay được dựa trên nguyên tắc bình đẳng, chia sẻ và cùng phát triển.

Vợ-chồng không thể hạnh phúc nếu giữa hai bên không có sự tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ cũng như tạo cho nhau cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, học tập, phát triển bản thân… 

Chúng ta cần nhớ rằng, lời nói sát thương sẽ làm thui chột tình cảm vợ chồng. Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, cố gắng kiềm chế để đừng nói lời nói cay nghiệt, thoá mạ, coi thường nhau.

Cha mẹ - con cái

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ hai chiều, cần có sự thấu hiểu, đồng hành, tôn trọng, sẻ chia. Để trở thành cha mẹ tốt, bản thân chúng ta cần phải học - học từ lời nói với con đến hành vi thực hành hàng ngày. 

Bồi đắp các mối quan hệ trong gia đình- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giữa cha mẹ và con cái nếu không xây dựng được quan điểm và tiếng nói chung sẽ tạo ra khoảng cách vô hình, dẫn đến việc tình cảm con cái dành cho cha mẹ không sâu sắc, tần suất xung đột và mâu thuẫn nhiều hơn, mối quan hệ trở nên tiêu cực.

Ông bà - cháu

Quan hệ ông bà - các cháu là mối quan hệ có tính chất tiếp nối của quan hệ cha mẹ - con cái. Bên cạnh sự thương yêu, kỳ vọng, những khác biệt về tuổi tác, quan niệm sống, đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi giữa thế hệ ông bà với các cháu dẫn đến nhiều vấn đề. 

Trong điều kiện xã hội ngày nay, xu hướng gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến, tốc độ di cư nhanh… khiến việc con cháu được ở gần, ở cùng để chăm sóc ông bà bị hạn chế. Tuy nhiên, dù ở gần hay ở xa, ở chung hay ở riêng thì con cháu cần luôn nghi nhớ bổn phận hiếu kính đối với ông bà; thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ tâm tình vì người già dễ tủi thân, tổn thương và cô đơn.

Anh - chị - em

Mô hình gia đình thời hiện đại sinh đẻ có kế hoạch nên số anh chị em ruột trong gia đình ít hơn trước đây, nhiều gia đình chỉ có anh chị em họ mà không có anh chị em ruột. Trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ anh chị em chiếm một vị trí đặc biệt. Có anh chị em ruột được coi là một hạnh phúc vì chúng ta "không đơn thương độc mã". 

Chính vì thế, anh chị em cần phải quan tâm, hòa thuận, thương yêu, chia sẻ trách nhiệm chung (việc nhà, chăm sóc ông bà, cha mẹ, trách nhiệm với họ hàng, thân tộc…).

Khi mỗi chúng ta có ý thức xây dựng và bồi đắp các mối quan hệ trong gia đình, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui được nhân lên, nỗi buồn và khó khăn được san sẻ. Bởi lẽ, khi có gia đình, có những người thân yêu bên cạnh, chúng ta không đơn độc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm