Bồi thường cho 8 nạn nhân chết do chạy thận, Bộ Y tế nói gì?
15/11/2017 - 17:45
Đúng ra, việc bồi thường phải theo phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, BV đang giải quyết trên cơ sở tình cảm khi đề xuất các mức hỗ trợ cho gia đình nạn nhân chứ không phải trên cơ sở kết luận của tòa.
Liên quan đến việc bồi thường cho các nạn nhân vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình, chiều ngày 15/11, trao đổi với PNVN, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, đối với việc bồi thường thì phải căn cứ theo kết luận của tòa án. Để tòa án phán quyết mức độ bồi thường như thế nào thì lại căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an. Đối với vụ việc xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình, cơ quan CSĐT đã khỏi tố vụ án và bị can. Khi có kết luận điều tra sẽ chuyển sang Viện kiểm sát để truy tố. Như vậy, nếu chờ đợi tòa án xét xử thời gian sẽ rất lâu.
Vì vậy, BV Đa khoa Hòa Bình đã hết sức cầu thị khi tìm cách hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân. Theo đó, BV đã nhiều lần để thương lượng, thỏa thuận để bồi thường cho gia đình nạn nhân. BV đã tính toán đưa ra mức từ 163 đến 242 triệu đồng/nạn nhân.
“Tôi cho rằng BV đã giải quyết trên cơ sở tình cảm khi đề xuất các mức hỗ trợ cho gia đình nạn nhân chứ không phải trên cơ sở kết luận của tòa án”, ông Quang nói.
Dù vậy, các gia đình nạn nhân không đồng ý với mức BV đưa ra. Các gia đình nạn nhân mong muốn nhận số tiền bồi thường là 250 triệu đồng/trường hợp nhưng BV không đồng ý. BV cho rằng mức bồi thường phải khác nhau do căn cứ trên từng trường hợp cụ thể. Ví như bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhẹ; bệnh nhân còn sức lao động hay người đang nuôi con nhỏ… Chứ không thể đòi mức giá chung cho tất cả các bệnh nhân là 250 triệu đồng/trường hợp.
Cũng theo ông Quang, trường hợp các bên không tìm được tiếng nói chung thì phải chờ phán quyết của tòa án. Khi đó, tòa sẽ tuyên án vụ việc là do lỗi của BV; khoa hay bác sĩ thì; ai sẽ là người bồi thường và số tiền là bao nhiều.
Như PNVN đã thông tin, ngày 29/5 trong khi chạy thận theo chu trình tại BV Đa khoa Hòa Bình, 18 bệnh nhân đã có biểu hiện sốc phản vệ. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng 8 bệnh nhân đã tử vong.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của BV Đa khoa Hòa Bình. Đến chiều ngày 5/7, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại 1 người là bác sĩ Hoàng Công Lương.
Hội đồng chuyên môn đã họp và cho rằng chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên. Tuy nhiên Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến có sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.
Hội đồng kỷ luật của Sở Y tế Hòa Bình cũng đã họp và quyết định cách chức Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình đối với ông Trương Quý Dương.
Ngoài ra, phía BV đa khoa Hòa Bình đã đưa ra mức bồi thường từ 160 triệu đồng đến 242 triệu đồng/nạn nhân. Khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung, BV đã chủ động hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 20 triệu đồng. Đồng thời, đề xuất tạm hỗ trợ thêm 50 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân để bớt khó khăn.