Không ngoa khi nói rằng ba cô gái và một chàng trai của Boney M là hiện thân của tuổi trẻ thế hệ khán giả 7x, 8x của Việt Nam và thế giới, nhất là những người từng có những năm tháng du học nước ngoài cũng như khán giả miền Nam thế hệ trước.
Mỗi khi những giai điệu quen thuộc như “Bahama Mama”, “Rasputin”, “River of Babylon”... cất lên, không hẹn mà gặp, mỗi người đều nhún nhảy, lắc lư theo điệu disco. Không chỉ hút hồn người bình dân, âm nhạc của nhóm nhạc gốc Phi còn ảnh hưởng không nhỏ tới tiếp nhận của một bộ phận người sáng tác ca khúc Việt.
Có thể ngày hôm nay, khi nhìn lại hình ảnh của Boney M, nhiều người sẽ cảm thấy hơi buồn cười với điệu bộ và phục trang của nhóm nhạc, nhất là mốt áo thun bó, quần loe kiểu Bobby Farrell (thành viên nam duy nhất nhóm) hoặc những điệu nhảy có một không hai của anh.
Nhưng một thời, phải đến 20 năm, từ 1970 đến 1990, giới trẻ Việt Nam đã chết mê chết mệt gout thời trang và biểu cảm vui nhộn đó. Bobby Farrell với điệu nhảy tưng bừng, hoang dại đến ngất ngư và giọng trầm với tone cực thấp làm nền cho ba giọng nữ cao ngẫu nhiên thành hình ảnh người ta nhớ tới đầu tiên mỗi khi nhắc tới Boney M.
Nhà văn ăn khách nhất Việt Nam nhiều năm nay là Nguyễn Nhật Ánh cũng từng thể hiện đam mê cuồng nhiệt với âm nhạc Boney M bằng việc xây dựng một nhân vật “cuồng” nhóm nhạc bốn thành viên này trong truyện dài “Phòng trọ ba người” sáng tác những năm 1990.
Như một lẽ đương nhiên, tác phẩm này tới bây giờ vẫn là một trong những cuốn sách gối đầu giường, góp phần tạo dựng “đặc sản” văn chương Nguyễn Nhật Ánh, một phần cũng vì đã đón đầu xu hướng, nói lên được tiếng lòng, đam mê của nhiều độc giả, thông qua việc thể hiện niềm yêu mến bất tận với ban nhạc disco lừng danh.
Có thể nói, âm nhạc của Boney M là một trong những “bài học vỡ lòng” đầu tiên và đáng nhớ nhất của trào lưu nhạc ngoại và tiếng Anh với người Việt lúc bấy giờ. Bài học vỡ lòng ấy vẫn được họ ôn lại như một thói quen khó bỏ dù ba bốn chục năm đã trôi qua.
Không chỉ tạo nên trào lưu ăn mặc, âm nhạc, ca khúc bất hủ “Daddy cool” của Boney M còn góp phần tạo nên tên gọi chiếc xe gắn máy cổ Chaly là “Chaly cúc cu”. Cụm từ này vẫn còn xuất hiện trong ca từ một số ca khúc mang âm điệu hoài cổ của một số nhạc sĩ trẻ ngày hôm nay. Phiên bản gốc xuất phát từ Hàn Quốc của tác phẩm điện ảnh ăn khách “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có tên là “Sunny”. Đây cũng là ca khúc chủ đề cùng tên với bộ phim và là một trong những giai điệu khó quên của Boney M.
Suy đi tính lại, những ca khúc nhóm nhạc gốc Phi chọn biểu diễn và trở thành “hit” rất đa dạng về đề tài, từ tình yêu tuổi trẻ (Sunny, No woman, no cry), thế thời (Ma Baker, Rivers of Babylon, Rasputin, Gotta go home), dân tộc (Brown girl in the ring, Bahama Mama), lễ hội, Giáng sinh (Mary’s boy child - Oh my Lord, Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday, Jingle bells, Feliz Navidad).
Không cần tới quá nhiều những thông điệp rắc rối, hầu hết ca khúc làm nên tên tuổi của Boney M đều có ca từ ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, phần điệp khúc dễ nhớ và dễ gây giục giã hưng phấn, kích động cảm xúc, và hơn cả là khơi dậy ở khán giả trẻ niềm tin yêu phơi phới, lạc quan và có cả sự phớt tỉnh trước cuộc đời.
Cùng với ABBA, Modern Talking, Boney M là niềm đam mê bất tận của người yêu nhạc từ thời còn nghe băng cassette cho tới thời kỹ thuật số như hôm nay. Nhiều ca khúc “chế” của nhóm đã ra đời và trở thành kỷ niệm cười ra nước mắt với nhiều người yêu nhạc. Lượng fan trung thành và bền vững của Boney M dường như không có ý định thay đổi gout nhạc bởi với họ, nghe những điệu nhạc disco ấy, là như thêm một lần sống lại tuổi trẻ nông nổi, man dại, âm nhạc làm cho tâm hồn trẻ mãi.
Boney M thành lập tại Đức vào năm 1975, nổi danh với dòng nhạc disco sôi động. Ban đầu nhóm có bốn người: Liz Mitchell, Marcia Barrett, Maizie Williams và Bobby Farrell. 43 năm qua, nhóm nhiều lần thay đổi thành viên nhưng giọng ca chính - Liz Mitchell - vẫn gắn bó đến bây giờ. |