Bỗng dưng chán cơm, vừa mừng vì giảm 10kg, người phụ nữ sững sờ biết ung thư dạ dày, BS cảnh báo điều này

LÊ PHƯƠNG.
09/11/2022 - 16:35
Sau một thời gian chán ăn kéo dài, hằng ngày chỉ dùng chút bánh, vài viên vitamin và cốc nước hoa quả, người phụ nữ 40 tuổi nhận cái kết bất ngờ tại phòng khám ung thư.

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam - Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên Hoa, 40 tuổi ở Hải Phòng, đến khám vì thấy chán ăn kéo dài, đặc biệt là những món quen thuộc như cơm, canh, thịt cá.

Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân, do bản thân đang muốn giảm cân nên ngoài biểu hiện chán ăn thì chị không thấy có bất thường. “Bạn bè, đồng nghiệp lâu không gặp cũng nói dạo này tôi gầy đi nhiều, nhưng do đang muốn giảm cân nên tôi không để ý và nghĩ đó là những lời khen”, chị Hoa chia sẻ.

Người phụ nữ cho hay khoảng 6 tháng gần đây, chị nói không với tinh bột, cứ dọn mâm cơm ra là chán ăn, lợm họng. Hàng ngày, chị duy trì thói quen ăn uống bằng một chút bánh, kèm theo uống vitamin tổng hợp, uống 1 cốc nước hoa quả.

Gần đây, chị Hoa bất ngờ khi cân nặng tụt xuống dưới 40kg, giảm hơn 10kg so với trước, kèm theo biểu hiện buồn nôn, đau tức vùng thượng vị dù uống thuốc nhưng không đỡ nên quyết định đi khám.

Bác sĩ Nam đang khám, tư vấn cho một bệnh nhân có vấn đề liên quan đến tiêu hóa. 

Bác sĩ Hải Nam cho biết kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân có ổ loét lớn góc bờ cong nhỏ dạ dày nghi ngờ ác tính và được cho nhập viện. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bệnh nhân đang thiếu máu ở mức độ trung bình. Các kết quả trên khẳng định bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư và không còn ở giai đoạn sớm.

“Sau khi nghe kết quả, nữ bệnh nhân im lặng rất lâu, dường như không dám tin vào những gì mình được nghe và chưa đủ dũng khí để đối diện với kết quả này. Sau một hồi lâu, bệnh nhân hỏi lại tôi rằng: Kết quả này có chắc không? Bệnh nhân không nghĩ chỉ chán ăn mà có thể mắc ung thư được”, bác sĩ Nam kể lại.

BS Nam thông tin sau khi làm sinh thiết tại dạ dày, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn IIB (giai đoạn mà khối u đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của dạ dày và đã có sự di căn đến các hạch bạch huyết lân cận) và buộc phải điều trị.

Mọi người không nên chủ quan với các triệu chứng như chán ăn, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh liên quan đến tiêu hóa. Ảnh minh họa. 

Theo bác sĩ Nam, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và đứng thứ 4 ở nữ.

Tại Việt Nam, theo số liệu năm 2020, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 trong các bệnh ung thư thường gặp với 17.902 ca mắc mới và 14.615 ca tử vong, cứ 100.000 người sẽ có hơn 24 người mắc ung thư dạ dày.

Bệnh liên quan đến vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), chế độ ăn uống và một số yếu tố địa lý, môi trường. Bệnh thường diễn biến âm thầm ở giai đoạn sớm nên người bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Nam thông tin thêm, ung thư dạ dày cũng có tỷ lệ nhất định liên quan tới yếu tố gia đình. Một số đối tượng khác có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn là:

- Người có viêm loét dạ dày, một số đột biến gen, hút thuốc lá, uống rượu bia, polyp dạ dày…

- Người có chế độ ăn quá cay, ăn nhiều thịt nướng, thịt ướp muối, hạt bị mốc, thực phẩm có chứa chất bảo quản không cho phép, thừa cân - béo phì...

Hiện nay, do áp lực công việc, cuộc sống khiến nhiều người thường xuyên căng thẳng. Bên cạnh đó, chế độ ăn chưa khoa học, phù hợp… cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn dẫn tới ung thư dạ dày. "Đối với người có người nhà mắc ung thư nên tầm soát ung thư. Từ độ tuổi từ 35-40 tuổi, chúng ta nên đi khám tầm soát ung thư dạ dày", bác sĩ Hà Hải Nam khuyên.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm