Bóng hình phụ nữ trong tác phẩm của nghệ sĩ Văn Cao

Mộc Anh
15/11/2023 - 19:59
Bóng hình phụ nữ trong tác phẩm của nghệ sĩ Văn Cao

Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao - Nghiêm Thúy Băng

Với tình trong mộng là vậy, còn lại hầu hết sáng tác trong cuộc đời Văn Cao đều thấp thoáng "tình duy nhất, tình trọn đời" là người bạn đời Nghiêm Thúy Băng. Bà vốn là một giai nhân Hà thành, xuất thân trong gia đình tư sản nhưng vì trót phải lòng Văn Cao mà suốt đời sống thanh bần cùng ông.

Năm 16 tuổi, vì cảnh nhà sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành chung, làm nhân viên trực điện thoại ở sở Bưu điện thành phố Hải Phòng được 1 tháng thì bỏ dở. Chàng thanh niên tham gia nhóm tân nhạc Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận… 

Ca khúc đầu tay của Văn Cao cũng là tuyệt tác trong sự nghiệp âm nhạc của ông - bài Buồn tàn thu - được viết vào ngày thu Hà Nội buồn lê thê tiễn đưa nhà văn trào phúng Vũ Trọng Phụng về cõi vĩnh hằng. Ca khúc mượn lời một người con gái giãi bày, khóc tiễn một đoạn tình. 

Buồn tàn thu được nhạc sĩ viết năm 16 tuổi như một bức ký họa về người phụ nữ sầu muộn trong tình yêu. Giai điệu và những hình ảnh cổ điển thấm đẫm trong ca khúc như một dự cảm về cuộc đời lắm lênh đênh, chìm nổi của người nghệ sĩ tài hoa.

Cũng những năm tháng đó, Văn Cao viết Thiên Thai, Trương Chi khắc họa chuyện tình trong cổ tích, thần tiên. Và trong nhận thức âm nhạc đầu đời của nhạc sĩ, nữ giới như một biểu tượng đẹp đẽ, thiêng liêng. 

Thời kỳ này, với thơ, kể cả ở những bài viết về người kỹ nữ như bài Linh cầm tiến hay người phấn nữ trong Một đêm đàn lạnh trên sông Huế đều thể hiện niềm xót xa, trân trọng với số phận nữ giới. Thời kỳ này ông vẽ tranh, gây dư chấn trong làng hội họa, nhiều bức nổi tiếng họa lại chân dung người phụ nữ như bức Cô gái dậy thì, sau này có bức Cô gái và đàn dương cầm.

Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 10/7/1995)

Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 10/7/1995)

Năm 70 tuổi, chỉ 2 năm trước khi qua đời, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao từng "thú thật" trên báo chí rằng, cuộc đời ông chỉ có duy nhất một người tình. Đó cũng là người bạn đời - bà Nghiêm Thúy Băng, giai nhân Hà thành một thời, người đã đồng cam cộng khổ với ông suốt cuộc đời. Còn lại những mối tình đồn thổi, ông khẳng định "toàn là tình mộng mơ".

Nhưng một trong những chút "tình mộng mơ" ấy đã tạo cảm hứng để người nghệ sĩ tài hoa. "Bóng hồng" đó là một người con gái suốt đời nhạc sĩ không nhắc tên, chỉ gọi bằng họ, họ Hoàng. Nàng cũng như Văn Cao, sinh ra ở Cửa Biển - Hải Phòng. 

Nàng là người trong mộng của cả hai người bạn thân của ông. Một mối tình trong sáng và câm lặng bởi về sau nàng trở thành vợ của một trong hai người bạn đó. Ba năm sau ngày Buồn tàn thu xuất hiện và theo lời Văn Cao được "Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo đi khắp chốn", ca khúc Bến xuân ra đời. 

Lúc này, nhạc sĩ Văn Cao đang cùng Phạm Duy sống ở Hải Phòng. Và lần duy nhất, một buổi trưa cuối xuân nọ, sau khi người con gái họ Hoàng ghé thăm ngôi nhà ở bến đò Rừng, được nàng phe phẩy quạt mát cho trong khi đang vẽ tranh, nhạc sĩ viết ca khúc Bến xuân với những câu: "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, Em đến tôi một lần…". 

Lần duy nhất cũng là lần cuối cùng vì sau đó nàng đã theo chồng. 5 năm sau đó, nhạc sĩ gặp lại người con gái họ Hoàng, lúc này nàng đã góa chồng và đi theo ban ca kịch kháng chiến. Nhưng vẫn còn đó một kỷ niệm đẹp, sáng trong về một thuở "Mắt em như dáng thuyền soi nước/Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân".

Với tình trong mộng là vậy, còn lại hầu hết sáng tác trong cuộc đời Văn Cao đều thấp thoáng "tình duy nhất, tình trọn đời" là người bạn đời Nghiêm Thúy Băng. Bà vốn là một giai nhân Hà thành, xuất thân trong gia đình tư sản nhưng vì trót phải lòng Văn Cao mà suốt đời sống thanh bần cùng ông.

Ông Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng cưới nhau năm 1947, một năm sau khi quen biết. Lúc bấy giờ ông 24 tuổi, còn bà mới 17 tuổi. Và cũng kể từ đó, người bạn đời, cũng là người phụ nữ duy nhất hiển hiện trong tác phẩm Văn Cao.

Sau hôn lễ đơn sơ ở nơi tản cư (Hà Tây cũ), chỉ sau một đêm, Văn Cao viết ca khúc Làng tôi để tặng vợ. 

Chân dung bà Nghiêm Thúy Băng do Văn Cao vẽ năm 1961 với chất liệu sơn dầu

Chân dung bà Nghiêm Thúy Băng do Văn Cao vẽ năm 1961 với chất liệu sơn dầu

Tình yêu, sự hàm ơn người bạn đời xuất hiện trong nhiều bài thơ của Văn Cao, như bài Năm buổi sáng không có trong sự thật viết năm 1960 với những câu: "Những cánh cửa đều khóa chặt/Trong gian phòng trong suốt thủy tinh/Em ở đây với anh/Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo níu/Thịt da em cho anh sưởi/Hơi ấm mình con chim khuyên/Trong lòng bàn tay/Run rẩy…". 

Đó là giai đoạn khó khăn trong cuộc đời Văn Cao khi ông liên quan đến Nhân văn - Giai phẩm, phải đi học tập chính trị và sáng tác một cách âm thầm, lặng lẽ. Trước đó, năm 1957, ở tuổi 34, ông đã cảm nhận "Tuổi già đến" và thoáng màu chán nản nhưng vẫn không quên tình yêu: "Dĩ vãng giữ trong tôi như một mùi cỏ/Thơm ủ trong tóc người yêu".

Sau này, 2 thi phẩm hiện đại có thể coi là nổi tiếng nhất của ông là bài thơ Khuôn mặt em và bài Thời gian như một bức ký họa nhan sắc người bạn đời của Văn Cao - một phụ nữ với khuôn mặt "Sáng trong và bình lặng", "Như mảnh trăng những đêm rừng cháy", một khuôn mặt với vẻ đẹp nói như ngôn từ hiện đại là "phát sáng" với "đôi mắt em như hai giếng nước" mà người nghệ sĩ tài hoa là người "được đầu tiên và còn lại cuối cùng". 

Bà Nghiêm Thúy Băng cũng là nguồn cảm hứng trong một số bức tranh của nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao, trong đó có bức Chân dung bà Băng được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Văn Cao (1923-1995) là thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa. Ông tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê Nam Định, sinh ra ở thành phố Hải Phòng, mất ở Hà Nội. Văn Cao xuất thân trong một gia đình nghèo, sớm dang dở việc học, phải mưu sinh bằng nhiều nghề. Ông thăng hoa trong âm nhạc lẫn thơ ca thời gian sống ở Hà Nội những năm 1941-1942. Sau đó, Văn Cao học dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thể hiện tài năng hội họa. Thời gian tham gia Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật ở nội thành, Văn Cao soạn ca khúc Tiến quân ca, sau này trở thành Quốc ca của đất nước ta. Từng có giai đoạn ông liên quan đến Nhân văn - Giai phẩm và ngừng bút một thời gian.

Trong sáng tạo văn chương, Văn Cao viết truyện ngắn, phóng sự, kịch. Đặc biệt, suốt đời ông là một nhà thơ với những cách tân đáng ghi nhận. 

Với nhân cách và cống hiến cho nghệ thuật và thơ ca, Văn Cao được đánh giá là một nghệ sĩ đích thực và cao cả dẫu cuộc đời lắm lênh đênh chìm nổi. Ông đã được trao tặng và truy tặng nhiều huân huy chương, giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm