Bức tranh đa sắc của thế giới năm 2018

27/12/2018 - 22:01
Năm 2018 khép lại 365 ngày đầy biến động. Bên cạnh những thành công thì loạn lạc, xung đột vẫn nổ ra ở nhiều quốc gia, dòng người nhập cư vẫn ngày một đông hơn, thảm họa đã xảy ra.
Tín hiệu hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
 
Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập kỷ với Tuyên bố Panmunjom (ngày 27/4); Tuyên bố Bình Nhưỡng (ngày 20/9) và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên với Tuyên bố chung Singapore ngày 12/6, đã giúp xoay chuyển tình thế khu vực từ “miệng hố chiến tranh” sang đối thoại và hòa hoãn, mở ra hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hòa bình và thịnh vượng.
 
moon-jae-in-kim-jong-un.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp nhau tại Khu Phi quân sự (DMZ) tháng 4/2018

 

Sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, việc đoàn tụ những gia đình bị ly tán trong chiến tranh đã được nối lại. Chính phủ Hàn Quốc đã vận chuyển sang Triều Tiên các vật tư để khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều ngày 26/12 tại ga Panmun, thị trấn Gaesung, thuộc lãnh thổ Triều Tiên.
 
gia-dinh-lien-trieu-doan-tu.jpg
Bà Lee Geum Seom (92 tuổi) và con trai Ri Sang Chol (71 tuổi) ngày đoàn tụ sau bao nhiêu năm xa cách

  

Tình người trong cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan
 
Các em nhỏ đội bóng nhí Wild Boars (Thái Lan) và huấn luyện viên 25 tuổi đã mất tích ngày 23/6 sau khi đi khám phá khu phức hợp hang động Tham Luang trong khuôn viên một khu bảo tồn địa phương gần biên giới với Myanmar. Chiến dịch tìm kiếm và giải cứu 13 thành viên đội bóng nhí đã diễn ra với sự tham gia của gần 1.000 công binh, nhân viên cứu hộ, tình nguyện viên và thợ lặn từ khắp Thái Lan và nhiều nước trên thế giới.
 
doi-bong-wild-boars-13.jpg
Đội bóng nhí Wild Boars (Thái Lan)

 

Sau bao khó khăn, ngày 10/7, toàn bộ đội bóng cùng huấn luyện viên đã được đưa ra ngoài an toàn, kết thúc chiến dịch cứu nạn quy mô lớn nhất lịch sử. Nhiều người đánh giá cuộc giải cứu đội bóng nhí là câu chuyện nhân văn về tình người, về sự hy sinh khi người ta không còn phân biệt về sắc tộc, giới tính, quốc tịch mà chỉ tập trung hết sức để giải cứu những cậu bé gặp nạn.
 
Châu Âu không bình yên
 
Nước Đức, đầu tàu chính trị và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) vừa trải qua một năm đầy biến động trên chính trường kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Hơn nửa năm sau cuộc bầu cử tháng 9/2017, tức là tới tháng 4 năm nay, chính phủ đại liên minh tại Berlin mới có thể ra mắt. Sau đó, các đảng trong liên minh cầm quyền gồm Dân chủ/xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lần lượt rơi vào khủng hoảng sau một loạt thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương cấp bang. Đỉnh điểm của khủng hoảng này là việc Thủ tướng Angela Merkel phải rút lui khỏi chiếc ghế Chủ tịch CDU nhiệm kỳ tiếp theo, đồng nghĩa với sự kết thúc của một giai đoạn phát triển của nước Đức.
annegret-kramp-karrenbauer-angela-merkel.jpg
Bà Annegret Kramp-Karrenbauer được cho là ứng viên mà chính bà Angela Merkel chọn để kế nhiệm ghế lãnh đạo CDU

 

Bên cạnh đó, tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU - Brexit) vẫn chưa thể về đích và tiềm ẩn những yếu tố khó lường do chính rào cản từ Quốc hội Anh với những chia rẽ nội bộ sâu sắc liên quan những điều khoản nhiều tranh cãi về hải quan.
 
Mặt khác, từ “tâm chấn” nước Pháp, làn sóng biểu tình "Áo vàng" đã và đang nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Chưa khi nào phong trào của người dân phản đối chính phủ lại được phản ứng một cách mạnh mẽ như vậy. Nguyên nhân sâu xa là do quyền lợi của người dân nghèo luôn bị ảnh hưởng bởi các chính sách cải cách. Người dân không hài lòng với các chính sách của chính phủ dẫn đến bạo loạn.
 
bao-loan-o-phap-4.jpg
Biểu tình áo vàng ở thủ đô Paris (Pháp)

  

Nỗi đau khổ của người nhập cư nơi vùng biên Mexico - Mỹ
 
Số người Trung Mỹ xin tị nạn tại Mỹ đã tăng 2.000% trong 5 năm qua và hiện có tới 700.000 trường hợp chưa được giải quyết. Tình trạng bạo lực, nghèo đói của những quốc gia Trung Mỹ khiến làn sóng trẻ em và phụ nữ có con nhỏ đua nhau nhập cư trái phép dọc theo biên giới Mexico - Mỹ.  Không khí tại khu vực biên giới Mỹ - Mexico trở nên căng thẳng khi binh lính Mỹ đã mạnh tay nhằm cản bước nhiều người muốn nhập cư vào Mỹ.
 
nguoi-di-cu-vao-my-1.jpg
Một người mẹ kéo 2 con chạy trốn khỏi khí cay cảnh sát Mỹ sử dụng gần bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico ở Tijuana

  

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã sẵn sàng đợi cho tới khi yêu cầu ngân sách 5 tỷ USD cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với Mexico được thông qua. Đây chính là nguyên nhân khiến chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa từ ngày 22/12.
 
Mới đây, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi chính quyền Mỹ điều tra về cái chết của bé gái Jakelin Ameí Caal (7 tuổi, người Guatemala) trong lúc bị Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) giam giữ cùng cha sau khi vượt biên giới từ Mexico vào Mỹ.
 
Năm đau thương của “đất nước vạn đảo”
 
Chỉ trong năm 2018, đất nước vạn đảo Indonesia đã phải hứng chịu hàng loạt thảm họa gây mất mát lớn về người và tài sản. Đó là động đất tại Lombok, sóng thần ở Sulawesi và rơi máy bay Lion Air...
 
song-than-o-indonesia-4.jpg
Mất nhà, mất người thân sau thảm họa sóng thần

 

Sóng thần tối 22/12 tại Eo Sunda là thảm họa mới nhất tại Indonesia, khiến ít nhất 429 người thiệt mạng và trên 1.400 người khác bị thương 
 
Trước đó, đảo Sulewasi của Indonesia hôm 28/9 hứng chịu thảm họa kép động đất - sóng thần khiến nhiều địa điểm tại Palu và thị trấn Donggala bị "xóa sổ". Bên cạnh đó là 170 dư chấn gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Thảm họa khiến 2.200 người chết, hàng nghìn người khác còn mất tích, hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng, hàng nghìn công trình xây dựng bị đổ sập, trở thành một trong những thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Phải mất 600 triệu USD để tái thiết và tái định cư trên đảo Sulewasi.
 
dong-dat-o-indonesia-1.jpg
Nỗi đau của một phụ nữ Indonesia sau bao thảm họa

 

tháng 10 vừa qua, máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu JT610 của hãng Lion Air đã rơi xuống biển khi trên hành trình từ Jakarta tới Pangkal Pinang trên đảo Bangka. Gần 200 người trên máy bay Lion Air đã thiệt mạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm