Chị Bei Braithwaite-Cotton ở Dagenham, hạt Essex, Anh quốc, chia sẻ rằng, trước khi được chẩn đoán mắc ung thư ruột vào năm 2014, chị thường bị những cơn đau bụng dai dẳng hành hạ. Tuy nhiên, chị không hề nghĩ đến trường hợp mình mắc ung thư, mà chỉ nghĩ đơn giản rằng mình tiêu thụ quá nhiều gluten hay bị bệnh tiêu hóa Celiac hoặc hội chứng kích thích bụng (Viết tắt là IBS - gây chướng bụng, tiêu chảy và có tỷ lệ mắc khá cao, cứ 3 người thì có 1 người mắc).
Chị Bei Braithwaite-Cotton và chồng |
“Bụng của tôi nhìn như chửa 6 tháng vậy vì nó quá cồng kềnh. Tôi còn bị táo bón, đầy hơi nữa. Thật là rất khó chịu! Tôi đã uống thuốc nhuận tràng và thuốc giảm đau, nhưng chẳng ăn thua. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc các triệu chứng của mình và nghĩ rằng nó là do những gì tôi đang ăn”, chị Bei trải lòng.
Cũng từ đây, chị quyết định loại bỏ gà rán và khoai tây chiên ra khỏi khẩu phần ăn mỗi ngày, thậm chí chị còn cắt luôn cả bánh mì, thịt, sữa và chỉ ăn thức ăn thô, rau củ, quả. Chị Bei thừa nhận đây là một quyết định khó khăn bởi chị “rất ghét ăn rau xanh”.
Thế nhưng, sau 2 năm áp dụng chế độ ăn lành mạnh, chị vẫn thường xuyên bị đầy hơi, đau bụng. Những cơn đau thậm chí còn đến với mức độ kinh khủng hơn khiến chị đau đến run rẩy và đổ mồ hôi.
Đến lúc này, chị quyết định đi xét nghiệm máu nhưng vẫn không ra bệnh.
Sau 2 năm thực hiện chế độ ăn lành mạnh vòng 2 của chị vẫn không cải thiện và chứng đau bụng vẫn tiếp diễn. |
Chỉ đến vài tuần sau đó, vào tháng 9/2014, khi đang hưởng thụ ngày cuối tuần lãng mạn bên chồng ở Warwickshire , chị mới thực sự nhận ra cơ thể mình đang gặp vấn đề vô cùng nghiêm trọng khi chị đi ngoài ra rất nhiều máu.
“Tôi thức dậy trong khách sạn, đi vào nhà vệ sinh và tôi đã nhìn thấy rất nhiều máu trong bồn cầu. Nó giống như có ai đó đổ máu vào nhà vệ sinh vậy. Nó rất đáng sợ”.
Ngay lập tức chồng chị đã đưa chị đến gặp bác sỹ đa khoa gần nhất và chị nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện King George để làm xét nghiệm nội soi và chụp CT.
Đến tháng 12/2014, các bác sĩ kết luận rằng chị đã bị ung thư ruột ở giai đoạn 3 và cần phẫu thuật để loại bỏ 75 % ruột già, sau đó phải hóa trị trong 6 tháng.
Nghe đến đây chị Bei vô cùng sốc vì trước đó chị vẫn nghĩ rằng mình rất khỏe mạnh.
Chị Bei đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ 75% ruột già và hóa trị trong 7 tháng. Giờ chị đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. |
Tháng 1/2015, chị Bei trải qua ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ và mất 2 tháng để hồi phục.
Đến tháng 4 năm đó, chị bắt đầu 6 vòng hóa trị, kéo dài trong 7 tháng. Trong quá trình này, mặc dù rất ốm yếu nhưng chị vẫn cố gắng đến phòng tập gym đều đặn để lấy lại năng lượng chiến đấu với bệnh tật.
Vào tháng 9 năm ngoái, chị Bei đã hoàn thành quá trình điều trị và được chẩn đoán không còn mắc ung thư nữa.
Giám đốc Sherif Raouf, chuyên gia lâm sàng về ung thư tại bệnh viện nơi chị Bei điều trị, cảnh báo: “Nếu bạn có các triệu chứng dai dẳng như hoạt động của ruột thay đổi, đại tiện ra máu, giảm cân đột ngột hoặc thiếu máu đột ngột, chắc chắn bạn nên đến gặp bác sĩ. Nếu các triệu chứng của bạn vẫn tiếp diễn, bạn có thể yêu cầu được giới thiệu đến một chuyên gia”.
Dany Bell, chuyên gia cố vấn về điều trị và phục hồi tại Trung tâm hỗ trợ bệnh nhân ung thư Macmillan của Anh, cũng cho biết: “Trường hợp của Bei thật đáng buồn nhưng nó lại rất phổ biến. Các triệu chứng của ung thư ruột có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các điều kiện sức khoẻ khác - đặc biệt là IBS - vì thế đây là một căn bệnh khó chẩn đoán”.