Bước chuyển mình của người phụ nữ K’Ho

Bài, ảnh: N.Minh
05/11/2022 - 15:00
Bước chuyển mình của người phụ nữ K’Ho

K'Im, dân tộc K'Ho, đã thay đổi rất nhiều trong việc chăm sóc sức khoẻ bản thân

Người K’Ho đầu tiên mà tôi gặp là K’Im, người phụ nữ rất xinh, có nụ cười duyên dáng nhưng đôi mắt đượm buồn. Giống như đôi mắt, cuộc đời của cô là những gam màu xám.

Chúng tôi đến làng Kon Phăng (thôn Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) trong buổi chiều tím, khi bầu trời đã ngả hoàng hôn. Làng nằm ở cuối xã, là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường đi lại vẫn chưa được bê tông hoá nên bụi mịt mù. Trong các gia đình, nhiều cặp vợ chồng đi làm thuê chưa về.

“Bước chuyển mình” của người phụ nữ K’Ho - Ảnh 1.

Thiếu nữ K’Ho trong nhà sàn truyền thống

Người đồng bào K'Ho ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng cây cà phê. Cây cà phê của đa số các hộ dân làng Kon Phăng không có nước tưới, phụ thuộc vào thời tiết nên năm được, mùa năm mất mùa. 

Bao quanh làng Kon Phăng là nhiều căn nhà tạm bợ được quây bằng những tấm ván, bạt. Đời sống của người dân ở đây còn rất khó khăn. Ở nhiều gia đình, bữa cơm đơn sơ chỉ với cơm trắng và rau rừng; nhiều gia đình không có tiền mua sách vở, quần áo cho con đi học. Giống như nhiều phụ nữ K'Ho trong bản, K'Im (38 tuổi) rất nhút nhát, ngại ngần, cảm thấy xấu hổ khi nói về sức khoẻ sinh sản. Sức khoẻ của cô rất yếu, chục năm nay, cô bị bệnh đau đầu hành hạ, tóc rụng nhiều.

24 tuổi đã lấy chồng nhưng theo K'Im, đây là tuổi kết hôn muộn nhất ở trong làng Kon Phăng của cô. Những cô gái khác 16-17 tuổi đã đi "bắt chồng". Hơn 10 năm hôn nhân, K'Im có 3 đứa con (11 tuổi, 8 tuổi, 6 tuổi), chưa kể 1 thai bị lưu. Nhà nghèo nên cô phải gửi 2 con lớn ở nhà thờ Phú Sơn. Thế nhưng, K'Im không biết đến các biện pháp tránh thai. Người K'Hor quan niệm "Con là con của Chúa" nên không biết kế hoạch hoá gia đình, phụ nữ ở đây thường có 5-7 con.

“Bước chuyển mình” của người phụ nữ K’Ho - Ảnh 2.

Đồng bào K'Ho ở làng Kon Phăng sống chủ yếu bằng nghề trồng cây cà phê

Gia đình K'Im thuộc hộ nghèo. Do sức yếu nên cô không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào vườn cà phê do mình chồng cô làm, mỗi năm cho thu hoạch 1 lần. Cà phê ngày càng rớt giá, chồng đi làm thuê cũng chỉ thu được vài triệu đồng/tháng. Cả nhà sống trong căn nhà tôn lụp xụp. Những ngày nắng nóng, cả gia đình phải chuyển ra vườn cà phê để tránh nắng.

Kinh tế gia đình khó khăn như vậy, bữa ăn hàng ngày chỉ có bắp và gạo sẵn trong nhà, thế nhưng K'Im vẫn chưa định dừng lại ở 3 đứa con. "Đàn ông K'Ho không bao giờ dùng bao cao su. Phụ nữ chúng tôi được tuyên truyền uống thuốc tránh thai. Thế nhưng, bệnh đau đầu khiến tôi dùng thuốc tránh thai không hợp, hễ uống thuốc là tôi bị đau đầu nhiều hơn. Bố mẹ tôi khuyên, cứ đẻ tiếp đi, nhà phải đông con mới tốt", K'Im chia sẻ.

Dù ốm yếu quanh năm, suốt tháng nhưng không có tiền nên cô chỉ biết ở nhà chịu đựng. "Ngoài bị suy nhược cơ thể, tôi còn có 2 cục hạch sau gáy ngày càng to lên. Thế nhưng, không đi khám, không uống thuốc, sức khỏe của tôi ngày càng yếu dần. Hàng ngày, tôi chỉ biết cầu nguyện Đức Mẹ", K'Im mệt mỏi cho biết.

“Bước chuyển mình” của người phụ nữ K’Ho - Ảnh 3.

Giờ đây, K'Im (áo xanh) không cắn răng chịu đựng những cơn đau đầu mà đã biết đi khám bệnh

Tham gia Nhóm phát triển cộng đồng ở thôn Tân Lập, K'Im ấp ủ hy vọng sức khoẻ của mình sẽ được cải thiện, sẽ không bị cơn đau đầu, chóng mặt hành hạ. Cô đã phải "đấu tranh" với bố mẹ rất nhiều trong việc không tiếp tục sinh con nữa. Cô phải thuyết phục chồng sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, việc mà trước đây anh không bao giờ làm… Được tham gia các buổi tập huấn, những kiến thức K'Im nhận được đã giúp cô rất nhiều trong việc chăm sóc sức khoẻ bản thân. Cô cũng  là một trong những tuyên truyền viên tích cực để thay đổi nhận thức của những phụ nữ K'Ho trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. 

"Trước đây, tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng những cơn đau đầu. Từ ngày đi khám tại Phòng khám đa khoa Tân Hà, ngoài việc được bác sĩ khám những bệnh của phụ nữ, tôi còn được bác sĩ tư vấn, kê thuốc chữa bệnh đau đầu. Nhờ đó, cơn đau của tôi đã không nặng như trước, sức khoẻ của tôi cũng đã khá hơn một chút. Tôi rất biết ơn dự án Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số", K'Im vui mừng chia sẻ.

Thế nhưng, điều khiến K'Im thay đổi nhất, ngoài sức khoẻ, đó còn là sự tự tin. Trước kia, cô luôn ngại ngùng, xấu hổ thì giờ đây cô đã cởi mở, biết đứng lên trước mọi người để nói lên những suy nghĩ và mong muốn của bản thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm