Bước tiến nữ quyền ở Saudi Arabia

10/02/2018 - 15:05
Vai trò của phụ nữ tại vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út) đang dần thay đổi khi phụ nữ trong lực lượng lao động đã tăng đáng kể, tạo tiền đề cho nhiều thế hệ nữ giới kế tiếp tiến bước.
Sự đổi thay ý nghĩa

Saudi Arabia từ lâu đã được biết đến là nước có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ phải sống lệ thuộc vào đàn ông và chịu nhiều bất công trong xã hội. Chính Vua Abdullah, người qua đời ở tuổi 91 năm 2015, đã góp phần quan trọng nhằm tăng thêm quyền và cơ hội sống tốt hơn cho nữ giới ở đây.
coca-cola-2.jpg
Phụ nữ Saudi Arabia đã được phép lái xe

Ngày 12/12/2015, Saudi Arabia là nước cuối cùng trên thế giới mà phụ nữ được thực hiện quyền của mình trong cuộc bầu cử các hội đồng thành phố. Chính cuộc bầu cử gửi tín hiệu mạnh mẽ cho xã hội rằng, phụ nữ đang tiếp tục cuộc “trường chinh” tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng.

Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman (32 tuổi) được trao quyền kế vị tháng 11/2017, nhiều quy định hà khắc với phụ nữ Saudi Arabia đã được cởi bỏ, mang đến luồng gió mới tại vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này.

Giới chức Saudi Arabia đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử bằng việc bắt đầu cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ, các sân vận động ở nước này sẽ mở cửa cho nữ giới đến xem bóng đá. Sắc lệnh đó là một phần trong chương trình cải cách về vấn đề bình đẳng giới của quốc gia này.

Với quyết định cho phép phụ nữ lái xe, Saudi Arabia cũng đồng thời thể hiện rõ quan điểm: cải cách và phát triển nội bộ là bước đi hàng đầu trong kế hoạch thay đổi quốc gia. Bên cạnh tác động đối với hình ảnh của Saudi Arabia trong mắt các nước khác, việc cho phép phụ nữ lái xe sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc gia vùng Vịnh này.
anh5.jpg
Saudi Arabia đang nới lỏng một số luật lệ hà khắc đối với nữ giới.

Ngành tài chính ở Saudi Arabia hiện thu hút nhiều lao động nữ nhất. Sắp tới, nữ giới còn có thể làm tài xế. Ứng dụng gọi xe Careem tại Arab - tương tự như Uber ở các nước - cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ sắc lệnh trên. Công ty này hiện có hơn 80.000 tài xế và dự định sẽ tuyển dụng thêm 20.000 tài xế là nữ trong vòng 4 năm tới.

“Tầm nhìn 2030”
 
Từ năm 2013, Vương quốc Saudi Arabia đã mở chiến dịch vận động đầu tiên nhằm chống bạo hành phụ nữ, khuyến khích các nữ nạn nhân mạnh dạn khai báo. Bên cạnh đó, dù chậm nhưng vai trò của phụ nữ tại Saudi Arabia ngày càng mở rộng với lực lượng lao động nữ tăng.

Năm 2017, chỉ có khoảng 22% phụ nữ trưởng thành tham gia lực lượng lao động nhưng chính quyền Riyadh muốn con số này tăng lên thành 30% vào năm 2030 trong kế hoạch cải cách kinh tế dài hạn của mình.
saudiarabia.jpg
Phụ nữ Saudi Arabia háo hức trong lần đầu tiên được đi xem bóng đá trong đời.

Đưa nữ giới tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động là một nội dung quan trọng trong kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Saudi Arabia - kế hoạch được biết đến với tên gọi “Tầm nhìn 2030”. Ngoài tăng cường sử dụng lao động nữ, “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia còn bao gồm mở cửa rộng hơn cho đầu tư nước ngoài và bán cổ phần tập đoàn dầu lửa quốc gia khổng lồ Saudi Aramco.

Theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Saudi Arabia là một trong những quốc gia được đánh giá thấp nhất về bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng thu nhập nam-nữ. Một người phụ nữ Saudi Arabia muốn mở cơ sở kinh doanh riêng sẽ phải đề nghị 2 người đàn ông xác nhận về tính cách mới có thể được cấp phép hoặc vốn vay.

Năm ngoái, nhà vua Salman đã yêu cầu rà soát các quy định vẫn còn khiến phụ nữ khó xin việc, đi lại, được thực hiện các thủ thuật y khoa tại bệnh viện hoặc học đại học mà không có sự cho phép của chồng hoặc người nhà là nam giới.

Trong thời gian tới, Saudi Arabia có thể cần thêm nhiều nhân viên kiểm soát hộ chiếu, bởi nước này đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển ngành du lịch. Saudi Arabia dự kiến sẽ cấp thị thực (visa) du lịch lần đầu tiên trong năm nay.

Trước đây, nước này chỉ cấp thị thực cho người nước ngoài đến làm việc hoặc thăm các khu thánh địa. Theo thông tin từ Tổng cục Hộ chiếu Saudi Arabia, cơ quan này đã nhận được 107.000 đơn xin việc sau khi đăng quảng cáo 140 công việc dành cho phụ nữ tại các sân bay và cửa khẩu biên giới. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan kiểm soát hộ chiếu của Saudi Arabia tuyển dụng nhân sự nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm