Trong chiến tranh xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Để kịp thời động viên, khích lệ và tạo khí thế thi đua, Hội LHPN tỉnh Hoàng Liên Sơn quyết định mở Hội nghị báo công tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu và phân công cán bộ về các địa phương nắm bắt tình hình, chuẩn bị hội nghị. Tôi và đồng chí Giàng Thị Mỷ cùng cơ quan được phân công đi các huyện phía Tây của tỉnh.
Thời điểm này (sau khi bùng nổ chiến tranh biên giới được 1,5 tháng) phương tiện giao thông đi lại vô cùng khó khăn, mỗi ngày chỉ có một chuyến ô tô khách đến huyện. Chúng tôi ra bến xe Yên Bái 3 ngày liên tục mà không mua nổi vé bèn quyết định đi xe đạp cho chủ động.
Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngày 24/3/1979, chị em tôi đạp xe xuất phát từ thị xã Yên Bái đi huyện Văn Chấn chặng đường dài 84 km. Tuyến đường có nhiều đoạn dốc dài và cao như Hưng Thịnh, Hưng Khánh, dốc Mỵ... nên chúng tôi phải xuống xe dắt bộ.
Chúng tôi đến Ba Khe đã 4 giờ chiều mà quãng đường vẫn còn hơn 30km. Vừa đạp xe chúng tôi vừa phân vân tối nay chưa biết ngủ đâu? Đi tiếp đến khi trời sắp tối thì gặp được 2 anh chị người Mông. Chúng tôi xuống xe dắt bộ cùng đi và trò chuyện bằng tiếng Mông. Thì ra, anh chị là vợ chồng đi làm nương về, nhà ở bản Khe Kẻng, xã Cát Thịnh. Anh chị mời chúng tôi vào nhà nghỉ ngơi mai đi tiếp và đưa chị em tôi đến gặp đội tự vệ xã để báo cáo, kiểm tra, xuất trình giấy tờ rồi mới về nhà.
Khoảng 30 phút sau lại có 2 anh nam giới đến gọi chúng tôi sang nhà trưởng bản để kiểm tra lại giấy tờ và điều tra bằng các câu hỏi liên tiếp: Hai chị công tác ở Tỉnh Hội phụ nữ Hoàng Liên Sơn thì cho chúng tôi biết ai làm Hội trưởng, Hội phó? Tên của Chánh Văn phòng? Xã Cát Thịnh có ai công tác ở Tỉnh Hội phụ nữ?... Khi không còn nghi ngờ nữa thì anh lớn tuổi hơn là Trung đội phó dân quân xã Cát Thịnh (trước đây đã có thời gian công tác ở Bưu điện tỉnh) mới bảo trưởng bản nấu cơm tối cho chúng tôi ăn. Thời chiến tranh nên mọi người đều nêu cao tinh thần cảnh giác.
Vùng này ít có người thoát ly đi công tác, chúng tôi là cán bộ người dân tộc Mông lại là nữ nên mọi người thấy lạ kéo nhau đến rất đông và hỏi nhiều chuyện trong đó có tình hình chiến sự. Chúng tôi hội ý, xin phép 2 anh ở Trung đội dân quân xã và trưởng bản để nói chuyện với bà con. Chúng tôi xoay quanh tình hình chiến sự tại biên giới phía Bắc, thông tin cho bà con tình hình đã ổn; cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tuyến 1 đang thu dọn chiến trường, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, thực hiện hậu cần tại chỗ và góp phần chi viện giúp đỡ đồng bào tuyến 1 bị chiến tranh tàn phá đang khó khăn...
Buổi tuyên truyền không nằm trong dự định ấy diễn ra sôi nổi đến 11 giờ đêm mới kết thúc. Sáng hôm sau, khi chúng tôi chia tay để đi tiếp, đồng chí trung đội phó dân quân nói: Mục đích của dân quân hôm qua là đi bắt do thám, thám báo nhưng ngược lại được hai đồng chí nói chuyện, coi đây như là buổi thời sự bổ ích cho người dân Khe Kẻng chúng tôi. Chị em tôi phấn khởi, cảm ơn và hoan nghênh tinh thần cảnh giác của địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quê hương bản làng.
Chị em tôi tiếp tục đạp xe đến huyện Văn Chấn rồi vòng sang thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, trực tiếp đến xã Bản Công, Suối Giàng... thực hiện kế hoạch công tác. Hoàn thành công việc, trên đường trở về đến xã Hồng Ca (Trấn Yên) tôi bị ngã, xe hỏng phải dắt bộ gần 6 km mới tìm được hiệu sửa. Xe sửa xong, chị em tôi đạp vội vàng, về được đến Yên Bái thì trời đã tối.
Chuyến công tác 8 ngày bằng xe đạp tuy có trắc trở, nhưng được bà con giúp đỡ, gần gũi giúp tôi xua đi mệt mỏi và nhận ra rằng: Làm cán bộ Hội phải thường xuyên cập nhật thông tin mới có thể linh hoạt xử lý được những tình huống không nằm trong kế hoạch.