pnvnonline@phunuvietnam.vn
Buổi hội ngộ xúc động của những người phụ nữ trở về từ Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968
Các nữ cựu tù chính trị, nữ cựu quân nhân trên địa bàn TPHCM hạnh phúc trong ngày gặp lại.
Ký ức oai hùng
Dì Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, người tự cứa đứt lìa cánh tay mình để tiếp tục chiến đấu, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.
Với dì, đó là khoảng thời gian dù đau xót nhưng vẫn rất tự hào. Tự hào bởi dì và đồng đội đã chiến đấu dũng cảm khi đối mặt với kẻ thù, đau xót bởi những hy sinh của đồng đội sau trận đánh khốc liệt. Dù tuổi cao sức yếu, giọng nói hơi run nhưng trong trí nhớ của dì vẫn còn như in hình ảnh, mốc thời gian, nhiệm vụ đã từng trải qua.
Dì Quân xúc động kể lại: "Tôi sinh ra trong gia đình võ thuật. Cả gia đình tôi đều tham gia chiến đấu. Năm 8 tuổi, tôi từng chứng kiến bọn địch cắt cổ, mổ bụng một chiến sĩ cách mạng, trước cái chết anh vẫn hô "Hồ Chí Minh muôn năm, đả đảo Ngô Đình Diệm". Bên cạnh đó, tôi được các chú, các bác hướng dẫn, đào tạo.
Tôi đã tham gia cách mạng bằng tất cả sự quyết tâm. Trong đợt 2 cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, khi tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ "ém" quân đưa lực lượng đơn vị và vũ khí vào nội đô để đánh khu vực quận Nhì - trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ và chi viện cho Quận 4, tôi đã bị thương, dập xương tay.
Lúc đó, có một chiến sỹ nói tôi thay đồ để dìu ra theo dân. Nhưng mà tôi nghĩ, tình thế cấp bách đang rất cần người, mình không thể để cán bộ chiến sỹ đổ máu thêm nhiều, tôi đã quyết định cắt đứt cánh tay bên trái đang bị thương để khỏi vướng víu, tiếp tục làm nhiệm vụ. Nếu mình rời đi hay hy sinh sớm quá thì đồng đội chưa kịp thoát ra khỏi vòng vây để tập họp với các cánh chiến đấu.
Tôi nghĩ rằng, nếu ai trong hoàn cảnh của tôi thì đều làm như vậy thôi. Khi quyết định cắt cánh tay, tôi thấy trên bàn tay đó, ở ngón tay áp út còn đeo chiếc nhẫn, tôi nghĩ bụng phải tháo chiếc nhẫn này ra. Vì cách đó 3 ngày, má tôi giao cho tôi và căn dặn nếu có gì cần thiết cho việc chung thì con cứ bán. Khi định tháo thì tôi chợt nhớ, lát nữa đây mình cũng hy sinh rồi, tháo ra để làm gì, nên tôi đã không tháo nhẫn".
Còn dì Vũ Minh Nghĩa, bí danh Chính Nghĩa, cũng rưng rưng nhớ lại chuyện năm xưa. Dì cho biết, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động thành gồm 15 người nhưng duy nhất có 1 cô gái 19 tuổi là dì được tham gia trận đánh. Xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào dinh Độc lập, xe tải đầu tiên của đội chở khối thuốc nổ gần 200kg.
Dì Nghĩa chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Củ Chi (TPHCM). Tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá của chiến tranh trên quê hương nên tôi luôn có suy nghĩ chỉ có làm cách mạng, đi theo Đảng mới giải phóng được cho gia đình, quê hương, dân tộc. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi cũng như nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khi ấy tình nguyện cầm súng chiến đấu. Khi gia nhập đội biệt động Sài Gòn, tôi nghĩ các anh làm được 10, tôi phải làm được 7-8. Cuối cùng, mong muốn cầm súng trực tiếp chiến đấu của tôi đã làm được. Động lực để tôi trải qua những lần tra tấn, những trận chiến kinh hoàng, đó là tin tưởng đất nước sẽ giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà".
Ngày trùng phùng đầy xúc động
Trong ngày gặp lại, các dì, các cô cùng nhắc nhớ về những đồng đội đã ngã xuống, nhớ về những ký ức đau thương mà đầy tự hào một thời tuổi trẻ, nhớ về tình đồng đội, tình chị em cùng vượt gian khổ để đấu tranh vì đất nước.
Bà Bùi Thị Son, nữ cựu tù chính trị, tâm sự: "Tôi tham gia làm nhiệm vụ tình báo trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Hoạt động của tôi không phải trực tiếp chiến đấu mà là phục vụ cho những người trực tiếp chiến đấu. Bên ngoài tôi là một sinh viên, trong bí mật tôi tham gia vẽ bản đồ, vẽ đường hướng dẫn cho các mũi tiến công vô nội thành. Sau Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, bọn địch theo dõi và phát hiện, tôi bị bắt đi ở tù. Hôm nay gặp lại những chị em tham gia Tổng tiến công, tôi cảm thấy rất xúc động. Nhớ lại những đồng đội đã hy sinh mà thấy thương vô cùng. Tôi thấy bản thân mình còn sống sau cuộc chiến tranh, được mọi người quan tâm, được gặp mặt và ôn chuyện xưa thì không có gì may mắn hơn".
Bà Trần Kim Cúc - nữ cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Bí thư Quận ủy Quận Tân Bình (TPHCM) - nhắn gửi: "Sở dĩ tôi thoát chết khi tham gia chiến đấu là vì lòng tin của tôi đối với cách mạng rất lớn. Tôi tin đó là con đường chính nghĩa, chắc chắn sẽ thành công. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã qua rồi, giai đoạn xây dựng đất nước, tôi mong các em dù con đường đi có khó khăn trắc trở, hãy tin vào đường lối của Đảng, kiên trì với mục tiêu của mình. Mỗi người trẻ phải rèn luyện phong cách, đạo đức của người cách mạng, giữ trong sạch để phục vụ đất nước".
Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết: Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, là đòn giáng phủ đầu làm rung động cả nước Mỹ và thế giới, làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, đánh dấu sự thất bại của chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang; chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc không điều kiện và chấp nhận đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam…
"Chương trình họp mặt nhân kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 là dịp bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của cán bộ, hội viên và phụ nữ thành phố đến với với các dì, các cô là nữ cựu quân nhân, nữ cựu tù chính trị đã góp phần cho độc lập tự do của dân tộc. Đồng thời, chương trình còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khích lệ thanh niên sống có lý tưởng, tích cực tham gia xây dựng đất nước, thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình", bà Nguyễn Trần Phượng Trân bày tỏ.
Ngày 17/2, Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình họp mặt, giao lưu các gia đình liệt sĩ, nữ cựu quân nhân, nữ cựu tù chính trị nhân kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Chương trình có sự tham dự của hơn 50 dì, cô là những nhân chứng sống từng tham gia chiến đấu.