pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cả nhà tôi chưa kịp vui mừng khi bố nghỉ hưu thì bệnh viện báo về tin sét đánh
Một buổi chiều mùa hè nắng gay gắt, tôi dặn dò y tá chăm sóc cho bố trong thời gian chờ em trai tôi đến trông bố buổi tối. Cả ngày hôm nay đã ngốn gần hết năng lượng hoạt động của tôi, cơ thể thấm mệt rã rời, tôi chỉ muốn về nhà để đặt lưng xuống giường nghỉ ngơi một lát.
Nhớ lại mọi chuyện diễn ra trong một tuần này, tôi vẫn không dám tin nó là sự thật. Không chỉ tôi mà cả gia đình đều mong đó chỉ là một cơn ác mộng mà thôi...
Năm nay, bố tôi đến tuổi nghỉ hưu, cả nhà đang dự định làm một chuyến xuyên Việt để bố được nghỉ dưỡng sau hơn nửa đời vất vả. Tôi và mẹ đã lên kế hoạch chi tiết xem cả nhà sẽ đi những đâu, chơi những gì để bố được vui vẻ nhất.
Trước khi đi vài ngày, bố gặp chút vấn đề về sức khoẻ, ba chị em chúng tôi liền giục bố đi khám sức khỏe tổng thể luôn để yên tâm. Bố tôi vốn là một ngược rất khỏe mạnh, ông luôn chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt rất điều độ nên cả nhà đều tin chắc rằng việc đi khám chỉ là để cho đủ thủ tục mà thôi.
Thế nhưng kết quả trả về tay khiến bầu trời Hà Nội hôm ấy như sụp đổ trước mắt tôi.
Bố tôi bị ung thư phổi. Thời gian của ông còn lại chẳng bao nhiêu...
Tôi đã xin bác sĩ giữ kín tình trạng bệnh tình với bố, tôi không muốn ông suy sụp và thật lòng tôi và cả nhà vẫn ôm ấp hi vọng sẽ tìm mọi cách để chạy chữa cho bố.
Cuối cùng cả nhà thống nhất sẽ nói rằng ông bị viêm phổi cần nhập viện để điều trị, trước mắt chỉ có thể dùng cách này để giấu ông mà thôi. Những ngày qua cả gia đình tôi suy sụp đến tận cùng, mẹ tôi cứ vào viện thăm bố là lại không có cách nào kìm được nước mắt. Bà suy nghĩ nhiều đến mất ngủ rồi cũng lâm bệnh. Cả nhà chỉ còn ba chị em chạy qua chạy lại chăm sóc cho cả bố và mẹ. Mới chỉ vài ngày mà ba đứa chúng tôi tưởng chừng như vài năm.
Chúng tôi không ngại vất vả, càng không sợ tốn kém. Cả ba anh chị em đều thống nhất có gì cũng bán hết miễn là cứu được bố mà thôi.
Thế nhưng đến lúc này tôi mới thấm câu "tiền bạc là vật ngoài thân", tình trạng của bố tôi càng ngày càng xấu đi. Ông vốn là một dược sĩ nên rất nhanh chóng những viên thuốc đưa đến cho ông mỗi ngày đã khiến ông biết tình trạng sức khỏe của mình rốt cuộc ra sao.
- Liên vào đây bố bảo.
Trước khi về nhà ông gọi tôi quay lại, nhịp tim của tôi nhanh đến mức tưởng chừng như không thể thở nổi nữa.
- Thế bác sĩ bảo bố bị làm sao? Ung thư à?
Tôi bật khóc nức nở trước câu hỏi thản nhiên như thể người bị căn bệnh hiểm nghèo này là ai đó xa lạ chứ chẳng phải là chính bản thân ông.
- Giai đoạn mấy rồi? Di căn chưa?
Tôi không dám trả lời chỉ có thể cúi đầu khóc mà thôi. Bố nhìn tôi 1 lát rồi thời dài, giơ tay xoa đầu tôi.
- Đến đâu được thì đến. Không phải bán nhà bán cửa gì để chạy chữa cho bố đâu, nhà còn để mẹ con ở chứ, với lại sau này cũng có cái để cho mấy đứa cháu nội ngoại. Bố vẫn còn tiền tiết kiệm, bố sẽ đưa cho con lo liệu giúp bố nhé!
Anh trai tôi mở cửa bước vào, đôi mắt anh đỏ hoe, có lẽ anh đã nghe thấy cuộc nói chuyện giữa tôi và bố rồi.
- Cả thằng Minh nữa, bố còn tiền không đứa nào phải bỏ tiền ra thuốc men cho bố đâu. Tao nói rồi đấy, chữa đến đâu được thì chữa, không được thì thôi.
Chúng tôi gật đầu theo ý của ông nhưng trong lòng thì không. Dù có phải làm bất kỳ điều gì để giữ bố ở lại chúng tôi đều cố gắng hết sức mình.
Lát sau, bác sĩ yêu cầu người nhà ra ngoài, tôi đứng lại nhờ y tá đôi chút rồi xách túi về nhà nghỉ ngơi.
Tối hôm trước, mẹ có gọi điện cho tôi, giọng nói đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bà dặn chúng tôi phải bình tĩnh hơn, bà cũng vậy. Cuộc chiến với ung thư là một cuộc chiến dài, không ai được gục ngã thì bố mới có thể yên tâm chữa bệnh được.
Có lẽ hơn mẹ là người hiểu bố hơn ai hết nên chỉ mất vài ngày cân bằng cảm xúc để có thể cùng bố chiến đấu với bệnh tật.
Tôi nằm xuống giường nhưng không sao ngủ được, một tin nhắn từ bố gửi đến. Một tin nhắn ngắn gọn nhưng khiến lòng tôi vô vàn cảm xúc đan xen với nhau: "Bố khoẻ. Bố sống dai lắm. Cả nhà không phải lo".