"Ca sĩ ảo không phải là thách thức với những người làm âm nhạc đích thực"

Yên Khanh
23/10/2024 - 12:24
"Ca sĩ ảo không phải là thách thức với những người làm âm nhạc đích thực"

Ca sĩ ảo Lạc Thiên Y trong đêm diễn với nghệ sĩ piano nổi tiếng người Trung Quốc Lang Lang

Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Tuấn Nam xung quanh những lo ngại về việc ca sĩ ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển ồ ạt, có thể “lấn sân” ca sĩ thật.

Những đêm diễn "cháy vé"

Nữ ca sĩ Lạc Thiên Y nhận được sự chào đón nồng nhiệt trong buổi hòa nhạc tại Thượng Hải (Trung Quốc) diễn ra vào năm 2019, khi cô xuất hiện cùng nghệ sĩ dương cầm Lang Lang trên sân khấu. Với gương mặt xinh đẹp, bím tóc màu xám, đôi mắt xanh, cô cất giọng trong trẻo và nhún nhảy theo những giai điệu của ca khúc "Hoa nhài". Phía dưới, hàng ngàn người hâm mộ gọi tên cô, trong đó có không ít người bật khóc. 

Những chi tiết này chẳng có gì đặc biệt so với những đêm nhạc thông thường, ngoại trừ việc Lạc Thiên Y không phải người thật. Cô được ra mắt vào năm 2012, bởi công nghệ AI, hiện là nghệ sĩ ảo nổi tiếng tại Trung Quốc, với fanpage thu hút hơn 5 triệu người hâm mộ. Theo nhà sản xuất, Lạc Thiên Y là cô gái 15 tuổi ngây thơ, có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác, hơi hướng nội. Cô thể hiện sự ấm áp, thậm chí vì người khác mà rơi nước mắt, vừa có sự kiên cường dù trải qua bao trắc trở cũng tuyệt đối không bỏ cuộc.

Tại Nhật Bản, những buổi biểu diễn mang tên "Magical Mirai" của ca sĩ ảo Hatsune Miku được tổ chức hàng năm kể từ năm 2013 thường trong tình trạng "cháy vé". Riêng năm 2019, chương trình được tổ chức tại Osaka và Tokyo, với tổng số 126.000 người tham dự trong 6 buổi diễn. Bên cạnh đó, Miku xuất hiện trong nhiều bộ phim, chương trình giải trí, tạo cảm hứng cho các hãng đồ chơi, dịch vụ. Cô được coi là hiện tượng văn hóa, khi người hâm mộ có thể tự tạo ra ca khúc cho chính thần tượng của mình biểu diễn, kết nối với nghệ sĩ qua một dạng fandom đặc biệt.

“Ca sĩ ảo không phải là thách thức với những người làm 
âm nhạc đích thực”- Ảnh 1.
“Ca sĩ ảo không phải là thách thức với những người làm 
âm nhạc đích thực”- Ảnh 2.

Anna, ca sĩ ảo đầu tiên tại Việt Nam

Khởi đầu muộn hơn, tới tháng 3/2023, ca sĩ ảo đầu tiên tại Việt Nam mang tên Ann mới được ra mắt công chúng. Với MV "Làm sao nói thương anh" (sáng tác: Kim Ngân), Ann không tạo được tiếng vang dù ngoại hình khá xinh đẹp, cuốn hút. Nhiều người cho rằng, giọng hát của cô chưa tự nhiên, cách thể hiện ca khúc cũng thiếu cảm xúc và cá tính.

Sức hút của ca sĩ ảo là gì?

Ca sĩ ảo được tạo ra bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) từ khoảng cuối những năm 1990. Theo đó, họ hoạt động bằng phần mềm tổng hợp giọng nói, tại đó cho phép người dùng tạo ra bài hát bằng cách nhập lời ca khúc và giai điệu vào phần mềm.

Sự phát triển của công nghệ AI đã khiến khái niệm sản xuất âm nhạc thay đổi. Trước đây, để tạo ra một sản phẩm, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất cần hợp tác, thảo luận. Còn với ca sĩ AI, một nhạc sĩ có thể tự mình tạo ra ca khúc mới mà không cần đến ai khác. Nhạc sĩ Tuấn Nam chia sẻ: "Xu hướng này hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho một số nhà sản xuất thế hệ Z sáng tạo hoặc đưa những ca khúc của mình lên internet, với nguồn chi phí không lớn. Từ đó, tạo nên một thị trường âm nhạc với những sản phẩm của con người nhưng tương tự thuật toán AI: Đưa dữ liệu có sẵn, xử lý trên đống dữ liệu đó".

“Ca sĩ ảo không phải là thách thức với những người làm 
âm nhạc đích thực”- Ảnh 3.

Một bạn trẻ người Nhật cosplay ca sĩ ảo Hatsune Miku

Trước những lo ngại về việc ca sĩ AI phát triển ồ ạt, "lấn sân" ca sĩ thật, nhạc sĩ Trương Anh Quân cho rằng rất khó để dẫn tới tương lai này bởi không một công nghệ nào có thể chiến thắng con nguời. "Nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, nó được tạo ra từ tâm hồn con người - thứ không thể bắt chước và làm ảo. Trí thông minh nhân tạo có thể làm rất nhiều thứ nhưng tâm hồn thì khác. Khi giữa hai con người tiếp xúc với nhau, chúng ta cảm nhận được tâm hồn của nhau. Đó cũng chính là thứ tạo nên sự khác biệt của một nghệ sĩ, không cần phải là giọng hát khủng, hay vẻ ngoài quá lộng lẫy. Tôi không phản đối sự xuất hiện của ca sĩ ảo, tiến bộ của công nghệ là thứ đáng mừng trong cuộc sống. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể phát triển và sáng tạo nhưng tôi vẫn tin nghệ thuật là thứ thuộc về loài người. Với riêng tôi, dù nhạc có hay đến mấy, tôi cũng không nghe nếu là ca sĩ ảo", nhạc sĩ Trương Anh Quân khẳng định.

Đồng ý với nhạc sĩ Trương Anh Quân, nhạc sĩ Tuấn Nam cho rằng: "Sáng tạo nằm ở Tâm, là Thần - thứ mà máy móc không thể có. Nó giúp chúng ta trở về với cốt lõi, cội nguồn của con người - ở đó nghệ thuật không thể là sự kiếm tìm trong những gì đã có. Bởi vậy, tôi nghĩ ca sĩ ảo không phải là thách thức với những người làm âm nhạc đích thực. Đích thực ở đây có nghĩa là những người sáng tạo thực sự, không copy, cắt xén, cóp nhặt".

Khi được hỏi về việc ca sĩ ảo có tái định hình khái niệm sản xuất âm nhạc truyền thống, khi một nhạc sĩ có thể tự mình tạo ra một MV mới mà không cần đến ai khác, Hà Lê cho rằng, điều này chỉ mang tính lý thuyết: "Trên thực tế, một người hiểu biết về nhạc lý, có khả năng sáng tác, lại đam mê công nghệ và giỏi tới mức tạo ra một ca sĩ ảo là rất khó. Thêm nữa, để thành công trên thị trường âm nhạc hiện tại, một sản phẩm còn cần sự hỗ trợ lớn từ ê-kíp âm thanh, ê-kíp truyền thông. Thế nên việc một người tạo nên thành công là không thể, có chăng chỉ là sự đứng tên".

Cuối tháng 3/2024, ca sĩ ảo Ann tiếp tục ra mắt sản phẩm mới tại Việt Nam, với kỳ vọng mở ra một thị trường mới. Trong lời giới thiệu, nhà sản xuất khẳng định ưu điểm của nghệ sĩ này là xinh đẹp, không scandal, không bao giờ già đi. Thế nhưng, liệu khán giả có luôn thích một cô gái mãi mãi xinh đẹp như tuổi 17 và không bao giờ già đi? Lời giải đáp cho câu hỏi này còn để ngỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm