pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cuộc đổ bộ" của những người dẫn chương trình ảo
MC Ren Xiaorong (Trung Quốc)
Xu hướng công nghệ AI
Trên truyền hình Hàn Quốc ngày càng xuất hiện nhiều MC ảo. Tháng 3/2024, chính quyền tỉnh Jeju (Hàn Quốc) sử dụng người dẫn chương trình ảo có tên J-na cho chương trình ra mắt hàng tuần trên YouTube. J-na chủ yếu đọc các tin tức cập nhật chính sách, tin tức trên đảo và các kịch bản được chuẩn bị sẵn. J-na được một công ty tư nhân Hàn Quốc phát triển và quản lý với chi phí 600.000 won/tháng (khoảng 450 USD). Tên của J-na là tổng hợp của các chữ cái đầu tiên trong từ "Jeju", "News" và "AI".
Đây không phải là lần đầu tiên một MC ảo được giới thiệu tới công chúng Hàn Quốc. Ngày 6/11/2020, MBN trở thành đài truyền hình địa phương đầu tiên ở Hàn Quốc ra mắt MC ảo có tên Kim Joo-ha, được mô phỏng theo người dẫn chương trình tin tức thực tế. Kể từ đó, đài truyền hình này vẫn đều đặn phát sóng các chương trình thường nhật, sử dụng bản sao AI của nữ phát thanh viên này.
Năm 2023, đài SBS cũng ra mắt nhân viên AI tên Zae-in để dẫn một phân đoạn trong chương trình "Morning Wide Part 3". Zae-in được tạo ra bởi công ty AI Pulse9 và là thành viên của nhóm nhạc nữ ảo Eternity. Kênh truyền hình cáp YTN hồi tháng 9/2023 cũng ra mắt cặp đôi dẫn chương trình tin tức AI là Y-Go và Y-On. Nhà phát triển AI ESTsoft đã tạo ra hai người dẫn chương trình tin tức AI bằng cách kết hợp khuôn mặt của nhân viên YTN.
Tháng 4/2023, Ấn Độ đã ra mắt MC hỗ trợ AI đầu tiên. Kênh truyền hình India Today giới thiệu người dẫn chương trình được tạo ra bởi phần mềm, được tích hợp AI, có tên Sana. Cô sở hữu làn da trắng, mái tóc đen dài và dẫn những chương trình truyền hình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. India Today cho biết, Sana có thể dẫn chương trình bằng 75 ngôn ngữ, bao gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hindi… Không lâu sau đó, một kênh truyền hình khác của Ấn Độ là Odisa TV cũng đã giới thiệu người dẫn chương trình ảo được tích hợp AI, có tên Lisa. Cô xuất hiện trong bộ sari truyền thống của Ấn Độ, dẫn chương trình bằng tiếng Hindi và tiếng Odia, một ngôn ngữ địa phương tại Ấn Độ. Ngay cả Power TV, một kênh tiếng Kannada, cũng đã thực hiện động thái đột phá tương tự. Kênh đã giới thiệu người dẫn chương trình AI của riêng mình, Soundarya.
Thay đổi quy tắc cuộc chơi
TvOne, một trong những kênh phát sóng được xem nhiều nhất ở Indonesia, đã giới thiệu 3 người dẫn chương trình ảo tên là Nadira, Sasya và Bhoomi.
Ở Malaysia, làn sóng AI sáng tạo trong các hoạt động báo chí đã bắt đầu. Hai hình đại diện AI đã được giới thiệu vào tháng 5/2023 tại một trong những tổ chức tin tức hàng đầu của nước này là Astro Awani. Trong khi Joon xuất hiện với hình ảnh một người đàn ông châu Á và đọc bản tin bằng tiếng Malaysia thì Monica lại có gương mặt của một cô gái phương Tây và đọc tin tức bằng tiếng Anh.
Hãng truyền thông Kuwait News (Kuwait) cũng đã giới thiệu một người dẫn chương trình thời sự được tích hợp AI có tên Fedha. MC này sở hữu phong cách ăn mặc và gương mặt phương Tây, thay vì mặc những bộ trang phục truyền thống của Kuwait. Fedha được sử dụng để đọc các bản tin thời sự bằng tiếng Anh và tiếng Arab. Trong tương lai, Fedha có thể sử dụng giọng nói của người Kuwait và trình bày các bản tin trên tài khoản Twitter có 1,2 triệu người theo dõi của hãng này.
Ren Xiaorong, người dẫn chương trình AI mới nhất của Trung Quốc, có thể trả lời mọi câu hỏi và lên sóng 24 giờ mỗi ngày. Nữ MC này là sản phẩm AI do tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) phát triển và ra mắt trên mạng xã hội Weibo. Xuất hiện trong bộ trang phục lịch sự trước màn hình nền là một thành phố hiện đại, cô Ren Xiaorong cho biết đã học hỏi kỹ năng dẫn bản tin thời sự từ hàng nghìn MC ngoài đời thực. Ren Xiaorong không phải là người dẫn chương trình ảo đầu tiên ở Trung Quốc. Những MC được AI hỗ trợ này đã bắt đầu xuất hiện trên sóng truyền hình ở Trung Quốc từ năm 2018. Họ được máy tính mô phỏng dựa trên hình mẫu của 3 phóng viên ngoài đời thực, gồm 2 nam và 1 nữ, làm việc tại hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Tiếp theo là người máy dẫn chương trình Jiang Lailai, từng phụ trách một chương trình giải trí về công nghệ mới. Không lâu sau, Tân Hoa Xã đã "tuyển dụng" một người dẫn chương trình "ảo" khác là Xin Xiaomeng, được mô phỏng theo một nhà báo người Trung Quốc.
Năm 2021, Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình quốc gia Trung Quốc đã ban hành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" về phát triển khoa học và công nghệ. Qua đó, thúc đẩy việc sử dụng các MC ảo và ngôn ngữ ký hiệu tay trong sản xuất các chương trình như chương trình tin tức thời sự. Sau đó, các công ty công nghệ phát triển người ảo liên tục xuất hiện. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, so với MC là người thật, MC ảo có thể truyền đạt tin tức một cách chính xác và làm việc suốt ngày đêm không nghỉ. Đồng thời, họ có thể nâng cao hiệu quả sản xuất video tin tức, vừa tiết kiệm được chi phí về người dẫn chương trình, phóng viên, người quay phim và nhân viên sản xuất, giảm thiểu hao tổn do sử dụng trường quay.
Sự ra đời của MC ảo nhờ công nghệ AI rõ ràng là một cuộc cách mạng thay đổi quy tắc cuộc chơi trong ngành truyền thông-báo chí. MC ảo đang buộc những người làm truyền thông phải đối mặt với thách thức về các khả năng cơ bản. Người làm truyền thông sẽ tập trung nhiều hơn vào những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, có cái nhìn sâu sắc và khả năng diễn giải.