Ca sĩ Hồ Trung Dũng tìm hơi ấm của má giữa phố đông

21/12/2016 - 08:21
Sinh ra và lớn lên trong con hẻm 227/12 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TPHCM, Hồ Trung Dũng đầy ắp kỷ niệm về con phố này. Ở nơi ấy, má anh thu xếp từng viên gạch để cất lên căn nhà che nắng che mưa. Nhưng rồi căn bệnh tim đã mang má đi xa mãi…

Những ngày Sài Gòn vừa giải phóng, khu vực Hàng Xanh được coi là xa xôi so với trung tâm thành phố. Đường sá thưa thớt người qua lại, vườn cây chiếm diện tích nhiều hơn so với nhà cửa. Đây chính là ngoại ô theo đúng nghĩa vào thời điểm ấy.

Má của Hồ Trung Dũng là bác sĩ (sau này bà giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh - PV). Khi được Nhà nước cấp đất xây nhà ngay tại P.1, Q.Bình Thạnh, nghĩa là gần trung tâm thành phố hơn thì bà đã từ chối, nhường suất ưu tiên ấy cho những người khác đi lại thuận tiện hơn. Còn bà nhận phần đất trong con hẻm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần Hàng Xanh.

Hẻm 227 cả thời ấy lẫn hiện tại là con hẻm thông, kiểu như bàn cờ. Giữa đám cây chuối, cây dại mọc um tùm, ba má Dũng phát quang để xây nhà. Sau này, cuộc hôn nhân của ba má trục trặc, họ không sống cùng nhau nên gánh nặng gia đình dồn lên vai má Dũng. “Chính má tôi đã gom từng viên gạch để cất nhà. Bà đã làm cùng lúc 2 vai trò, vừa là cha, vừa là mẹ. Tôi sống nặng tình cảm, buồn vui theo vui buồn của má. Vì vậy mà tôi đặc biệt nhớ đến con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh này!”, ca sĩ Hồ Trung Dũng tâm sự.

2.jpg
1.jpg
Hồ Trung Dũng về thăm lại trường tiểu học Hồng Hà 

Dũng lớn lên, đi học mẫu giáo và vào trường Tiểu học. Lứa bạn bè hồi đó sống loanh quanh rải rác trong con hẻm nên cứ khi rảnh thì chạy qua nhà nhau chơi. Không có góc nào của con hẻm xa lạ với các cậu bé, cô bé. Khi Dũng cắp sách tới trường, chỉ có học kỳ đầu tiên là má đưa đón. Sau đó, cậu bé tự đi và tự về.

Ngôi trường Hồng Hà gắn bó với cả tuổi thơ trong sáng. Đến tận thời khắc này, khi chụp cho Hồ Trung Dũng bộ hình này, nam ca sĩ rất tha thiết có tấm ảnh ở trước cổng trường Hồng Hà và được đi ngang qua nhà may Trứ Danh. Ngôi trường vẫn vậy, không đổi thay nhiều; nhà may Trứ Danh thì cũng nằm trong khối ký ức đẹp ấy, giữ nguyên. Trong khi đó, tất cả các điểm khác đã bị thời gian xoá đi không thương tiếc. Cũng đúng thôi, “vật đổi sao dời”. Hồ Trung Dũng mới ngày nào nhỏ xíu giờ đã trưởng thành, là một giảng viên tiếng Đức giỏi giang, một ca sĩ được nhiều người mến mộ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, dường như chỉ có phố là vẫn đứng yên đó, chứng kiến quá nhiều đổi thay. 

Linh thiêng góc phố

Gần nhà Hồ Trung Dũng có một cái miếu nhỏ. Mỗi lần đi qua đây, má thường dặn Dũng phải cúi đầu xuống để biểu lộ thái độ tôn trọng. Những ngày bé tí teo cắp chiếc cặp sách to đùng cho tới khi đã lớn, Dũng nhớ như in chi tiết này. Đến tận lúc Hồ Trung Dũng đi xe gắn máy và sau này là xe hơi, nam ca sĩ cũng vẫn cúi đầu thật thấp mỗi khi qua ngôi miếu nhỏ ấy. Con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh được mở rộng và nâng nền cao so với trước đây khá nhiều, song riêng ngôi miếu thì vẫn được giữ lại, thấp trũng, đứng khiêm tốn ở bên hè đường. Vào ngày Rằm và mùng Một, người dân quanh đó thường mang dĩa trái cây ra thắp nhang cầu xin sự bình an.

Những ngày ba má bất hòa, má Dũng mở một tiệm thuốc Tây ở đối diện khu Du lịch Văn Thánh hiện nay. Thời ấy, khu du lịch có hồ nước trồng sen rất đẹp, hiện giờ vẫn còn được bảo tồn, tạo cảnh quan vô cùng lãng mạn. Chính nhờ tiệm thuốc Tây này mà 3 anh em của Hồ Trung Dũng được má nuôi ăn học chu đáo. Buổi tối, sau khi đã học bài xong, Dũng thường ngồi bên hồ nước nói chuyện với má. Bà hỏi han việc học của con và thường vuốt ve đầu cậu Út, nén bên trong tiếng thở dài. Có lẽ bà cảm thấy buồn khi không mang lại cho con một mái nhà đầy đủ cả cha lẫn mẹ.

Khi Hồ Trung Dũng 18 tuổi thì gia đình cậu chuyển đi nơi khác sinh sống. Cũng chỉ sau đó vài năm, má của Dũng mất đột ngột trong cơn đau tim cấp. Không thể xa nổi con phố đã gắn bó với bao kỷ niệm của cuộc đời, Hồ Trung Dũng vẫn ở khu vực cầu Thị Nghè, để thường xuyên đi qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, để được cúi đầu mỗi lần lướt qua ngôi miếu nhỏ ven đường, để tìm lại hơi ấm của má phảng phất đâu đây… 

Yêu tiếng ồn của phố

Hồ Trung Dũng tâm sự: “Thời gian đi nhanh quá, nếu theo như lời bài hát Sáu mươi năm cuộc đời, thì đến giờ tôi đã đi được nửa chặng đường. Có những việc khi xảy ra thì mình không để ý, nhưng khi xa thật rồi thì lại nhớ quay quắt. Con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với tôi là như thế. Đôi khi tôi chạy xe ngang qua đây, ngang qua nhà người yêu đầu tiên của mình với nhiều cảm xúc khó diễn đạt. Vì thời gian trôi vùn vụt nên rất cần trân trọng những chuyện giản đơn thường ngày!”.

3.jpg
4.jpg
Nam ca sĩ yêu sự náo nhiệt của đường phố Sài Gòn

Thường xuyên di chuyển bằng xe hơi, mà kiếng xe lại phải dán màu tối để đảm bảo sự riêng tư không bị người khác dòm ngó, khiến đôi khi Dũng thấy rất cô đơn. Dũng ngồi trong xe mê mải nghe âm thanh ồn ã của phố phường, mê mải nhìn sự hối hả của mọi người lưu thông trên phố. Những khi muốn được hòa vào âm thanh ấy, Hồ Trung Dũng lại lấy xe gắn máy để đi chợ mua đồ. Xẹt qua Xô Viết Nghệ Tĩnh, Dũng như nhìn thấy hình ảnh của mình cách nay hơn 20 năm, cầm cà mèn đi mua hủ tiếu trong hẻm cùng bà vú.

Khi sang Đức học, trong cái lạnh lẽo của mùa đông, Hồ Trung Dũng cầm theo miếng xúc xích và bánh mì nguội ngắt, tranh thủ ăn trên tàu điện ngầm, lòng lúc đó cứ chùng xuống.

Sự yên tĩnh ở Đức hay ở Singapore, những nơi mà Hồ Trung Dũng đã tới để học và công tác, luôn khiến Dũng mất ngủ. Nam ca sĩ nhớ quá trời sự náo nhiệt và lộn xộn của đường phố Sài Gòn. Âm thanh ấy khiến lòng người luôn ấm áp!

Guide bỏ túi 

* Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, bắt đầu từ cầu Thị Nghè, chạy thẳng xuống ngã tư Hàng Xanh. Con đường này có chiều dài khoảng 2km.

* Ngã tư Hàng Xanh hiện đã có cầu vượt băng qua từ Điện Biên Phủ hướng về cầu Sài Gòn, do vậy hình thức đô thị đã khác trước kia. Đây là con đường có lượng người đi lại rất đông, nên tình trạng va chạm xe cộ xảy ra thường xuyên.

* Ca sĩ Hồ Trung Dũng từng hoạt động trong nhóm bè Cadillac, sau đó trở thành ca sĩ solo rất thành công. Chất giọng đẹp, giàu nội lực, ngoại hình sáng sân khấu, Hồ Trung Dũng có lượng fan rất lớn, cả ở giới trẻ và người nhiều tuổi. Ca sĩ Hồ Trung Dũng còn là giảng viên khoa tiếng Đức, Trường ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia TPHCM. Anh cũng thành thạo tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Tây Ban Nha. 

*Đón đọc bài tiếp theo: " Khổng Tú Quỳnh xòe tay đón Noel lung linh"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm