Văn hóa - giải trí

Ca sĩ Mai Thương hát về sự hy sinh, nhọc nhằn của người phụ nữ

Minh Anh 20/10/2021 - 11:42 AM
MV "Chấp chới sông Lam" được ca sĩ Mai Thương ra mắt như một món quà dành tặng mẹ và những người phụ nữ nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Chấp chới sông Lam là bài hát do nhạc sĩ Nguyễn Lê Trung phổ thơ Minh Quang. Ca khúc nói về sự hy sinh, nhọc nhằn của người phụ nữ, suốt một đời chắt chiu, tảo tần, vượt qua mọi khó khăn để nuôi con khôn lớn.

Mang đậm âm hưởng dân gian xứ Nghệ rõ nét, nhưng không giống nhiều ca khúc dân gian khác, Chấp chới sông Lam lại không hề dễ hát, đòi hỏi kỹ thuật rất tốt. Điều này vừa là thử thách với người hát, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ca sĩ có thực lực được dịp "khoe giọng". Đó cũng chính là lý do cách đây hơn 4 năm, tại Chung kết cuộc thi Sao Mai 2017, Mai Thương đã chọn ca khúc này với phần phối khí của nhạc sĩ Quang Hưng để tranh tài và được đánh giá cao, dù rằng lúc đó sức khỏe của cô không được tốt.

Chưa thực sự ưng ý với phần thi của mình tại Sao Mai 2017, Mai Thương vẫn ấp ủ ý định sẽ thực hiện Chấp chới sông Lam thành một sản phẩm âm nhạc chỉn chu, đến được với đông đảo công chúng. Quả thực, người nghe có thể cảm nhận rõ rệt sự trưởng thành của Mai Thương sau 4 năm: giọng hát vững vàng hơn mà cũng xúc cảm hơn.

Ca sĩ Mai Thương hát về sự hy sinh, nhọc nhằn của người phụ nữ - Ảnh 1.

Ca sĩ Mai Thương thành danh từ giải Ba Sao Mai 2017 dòng dân gian

Điều thú vị, Chấp chới sông Lam là ca khúc dân gian miền Trung, trong khi Mai Thương là cô gái Kinh Bắc, thấm đẫm âm hưởng dân gian Bắc bộ. Chia sẻ về lý do chọn bài hát của miền Trung, Mai Thương cho rằng, điều quan trọng nhất là cô thấy yêu thích, đồng cảm. Việc hát những ca khúc thuộc những vùng miền khác nhau không phải là quá khó với một ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp như cô.

"Điều quan trọng mình thích, từ đó mình tìm hiểu về những điệu nhấn nhá phát âm của từng miền và áp dụng vào ca từ", cô chia sẻ. Ngoài Chấp chới sông Lam, Mai Thương cũng đã thể hiện nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung và nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả và từ chính tác giả nên cô càng thêm tự tin.

Trước Mai Thương, có không ít ca sĩ, trong đó có những giọng ca sinh ra và lớn lên từ xứ Nghệ hát Chấp chới sông Lam. Nhưng điều này không khiến Mai Thương cảm thấy áp lực. "Tôi hát cho khán giả nghe và thưởng thức chứ không phải để thi đấu. Tôi là cô gái Kinh Bắc, không có nghĩa tôi chỉ hát ca khúc Bắc bộ và hát cho khán giả miền Bắc", cô nói.

Ca sĩ giành giải Ba cuộc thi Sao Mai 2017 chia sẻ, mỗi lần hát Chấp chới sông Lam, cảm xúc trong cô lại dâng trào, nghẹn ngào rơi nước mắt. Bài hát về người mẹ miền Trung, nhưng cô thấy từng lời ca, nốt nhạc như đang kể về chính cuộc đời người mẹ tảo tần ở quê nhà Bắc Ninh của cô vậy:

"Tôi còn nhớ khi tôi mới 4 tuổi, còn em trai lên 2. Bố đi làm xa, mỗi tháng về một lần, mình mẹ ở nhà nuôi các con. Sáng sớm, mẹ đặt hai chị em vào 2 cái thúng, gánh đi gửi rồi mẹ đi làm đồng. Đến trưa mẹ đến gánh con về nhà và buổi chiều lại tiếp tục hành trình đó. Cứ như vậy, suốt bao ngày tháng, một mình mẹ gánh hai con nặng trĩu trên vai. Bố đi làm xa chẳng biết được những nhọc nhằn ấy.

Khi nhà tôi có thêm thành viên không bao lâu thì bố qua đời. Một mình mẹ tảo tần nuôi 3 con nhỏ. Dù kinh tế rất khó khăn, nhiều người phản đối việc tôi theo con đường ca hát nhưng mẹ luôn ủng hộ con gái, động viên tôi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Mẹ vừa nuôi các em ở quê, vừa lo lắng cho tôi ở Hà Nội. Gần như tuần nào mẹ cũng từ Bắc Ninh ra Hà Nội, đến ký túc xá thăm con gái, theo sát việc học của con, lo từng bữa ăn thức uống. Mà khi đó em thứ 3 của tôi mới hơn 1 tuổi. Nuôi con nhỏ vất vả, mẹ vẫn cố gắng làm việc kiếm tiền để tôi không bị khổ hay thiếu thốn so với các bạn".

Mai Thương tâm sự, có lẽ không chỉ mẹ cô mà bất cứ người mẹ nào cũng yêu thương con cái vô bờ bến như thế. Hình ảnh "Một mình mẹ lận đận nuôi con/Một đời đồng sâu sương muối" trong bài hát Chấp chới sông Lam đầy sức gợi khi thể hiện bao vất vả, đắng cay của người mẹ. Đặc biệt, Mai Thương không thôi ám ảnh với câu "Mẹ ơi sao không thương mình?" và khi hát lên, cô hát bằng tất cả tình yêu thương của một người con, bằng sự đồng cảm của một người phụ nữ. Câu hát của Mai Thương cứ vậy mà day dứt, mà lay động người nghe…

Mai Thương bày tỏ, qua ca khúc này, cô cũng muốn nhắn gửi tới những người phụ nữ, rằng hãy yêu bản thân mình nhiều hơn, và hãy sống thật hạnh phúc. Con cái luôn biết ơn công lao của mẹ, nhưng vẫn mong mẹ bớt hy sinh một chút để sống cho bản thân mình.

Giải Ba Sao Mai 2017 dòng dân gian cho biết thêm, cô đã lên ý tưởng để thực hiện MV Chấp chới sông Lam với phần hình ảnh công phu như một bộ phim ngắn. Nhưng dịch Covid đã không cho phép cô triển khai và cô đành phải ghi hình tại phòng thu. Hiện tại, cô đang tập trung để chuẩn bị cho album đầu tay của mình.

Ca sĩ Mai Thương quê ở Gia Bình, Bắc Ninh, là ca sĩ đầu tiên của vùng đất Quan họ giành giải thưởng Sao Mai ở dòng dân gian. Cô tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đầu năm 2020, cô gây chú ý với khán giả và giới chuyên môn với bộ phim ca nhạc Duyên nợ yếm đào. Dịp lễ Vu lan 2021, cô ra mắt đồng thời 2 MV Nhớ mẹ Nhớ cha.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn