pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các bệnh viện đầu ngành chung tay cùng y tế vùng lũ khắc phục hậu quả
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang khám bệnh cho người dân huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Nhằm hỗ trợ cho y tế địa phương trong công tác tái thiết, chăm sóc sức khỏe nhân dân sau lũ, Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn công tác gồm 45 thành viên là giáo sư, bác sĩ, cán bộ y tế - những chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều chuyên khoa lên đường hỗ trợ cho y tế tỉnh Tuyên Quang.
BSCKII. La Đăng Tái - Phó giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang cho biết, là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Toàn tỉnh có 5 người chết, 883 nhà ở bị thiệt hại, 4.957 hộ dân phải di dời khẩn cấp, trên 6.800 ha lúa, ngô hoa màu bị ảnh hưởng... Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị ngập, hư hại, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai đã trao tặng học phí dành cho y tế tỉnh Tuyên Quang từ nay đến hết năm 2025, tiền mặt, thuốc, vật tư y tế trị giá 7 tỷ đồng, cùng y tế địa phương khắc phục hậu quả của mưa lũ. Bên cạnh đó là khám chữa bệnh, phát thuốc và tặng quà cho gần 500 người dân huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khi cán bộ y tế từ trạm y tế, đến bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tỉnh được đào tạo cầm tay chỉ việc, được cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn sẽ vững tâm gắn bó với nghề, với bệnh viện và chuyên tâm cho công tác chuyên môn, khám chữa bệnh cho nhân dân.
"Người bệnh được khám chữa bệnh ngay tại y tế tuyến cơ sở sẽ tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, giúp người dân được chăm sóc sức khoẻ ngay tại địa phương. Nhìn người dân phải vất vả đi xuống Hà Nội khám bệnh, chúng tôi rất trăn trở. Chứng kiến các đồng nghiệp tại y tế cơ sở khó khăn, thiếu thốn chúng tôi rất chia sẻ. Với trách nhiệm của bệnh viện đa khoa tuyến cuối, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ hỗ trợ cho ngành y tế Tuyên Quang trong công cuộc khôi phục hậu quả sau bão lũ", PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
Bên cạnh Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã huy động các thành viên tình nguyện tham gia hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Chỉ sau 2 giờ đã nhận được số lượng đăng kí vượt ngoài dự kiến. Ngày 17/09/2024, đoàn Bệnh viện đã tới huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn để thăm khám, phát quà và cứu trợ cho đồng bào sau lũ lụt.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, cách đây 12 ngày, đơn vị đã có chuyến khảo sát tại đây và kí kết hợp tác toàn diện để hỗ trợ cho trung tâm y tế huyện Chợ Đồn.
"Sau thiên tai, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là xã Nam Cường và các xã vùng cao hiện nay còn đang ngập trong nước lũ, việc chăm sóc sức khỏe chắc hẳn sẽ còn khó khăn rất nhiều. Vì vậy bệnh viện đã quyết định đến hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn để thăm khám sức khỏe và trao quà tới người dân vùng lũ. Cùng với đó sẽ tiếp tục hỗ trợ y bác sĩ nơi đây về chuyên môn và cơ sở vật chất cũng như thuốc men để bà con có thể hạn chế việc phải ra tuyến trung ương." - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ song hành cùng Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn thông qua khám chữa bệnh từ xa và cả hỗ trợ chuyên môn trực tiếp.
"Những hỗ trợ của tuyến trên về với địa phương thời điểm này là vô cùng quý giá, góp thêm động lực để cán bộ nhân viên y tế cũng như người dân vùng lũ cùng cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn, tái thiết lại cuộc sống." - TTƯT.BsCK 2 Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.
Bộ Y tế yêu cầu không thu viện phí với nạn nhân của bão số 3
Nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão, lụt, duy trì và đảm bảo các điều kiện nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các trường đại học y, dược và bệnh viện tại các tỉnh, thành phố có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt sẵn sàng chi viện.
Các đơn vị thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng chống dịch bệnh cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh; khuyến khích việc quyên góp ủng hộ cho đồng bào vùng bão, lụt với tinh thần tương thân tương ái tùy theo khả năng đóng góp của từng đơn vị, cá nhân.
Đối với các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần "Lương y như từ mẫu" của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh; trường hợp vượt quá khả năng chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa. Lưu ý không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo Sở y tế.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với kịch bản dịch bệnh gia tăng sau bão lụt và các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc, viêm da. Đồng thời, tổng hợp chi phí điều trị của các nạn nhân trên địa bàn và các thiệt hại do bão lụt, báo cáo UBND tỉnh, thành phố để có phương án giải quyết kịp thời.