pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các biện pháp điều trị viêm amidan an toàn, hiệu quả
- 1. Chẩn đoán viêm amidan
- 1.1. Ngoáy họng
- 1.2. Kiểm tra số lượng tế bào máu hoàn chỉnh (CBC)
- 2. Các biện pháp điều trị viêm amidan
- 2.1. Chăm sóc tại nhà
- 2.2. Điều trị viêm amidan bằng thuốc kháng sinh
- 2.3. Điều trị viêm amidan bằng phẫu thuật
- 2.4. Điều trị viêm amidan bã đậu như thế nào?
- 2.5. Điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em
- 3. Phác đồ điều trị viêm amidan của Bộ Y tế
- 3.1. Nguyên tắc điều trị
- 3.2. Điều trị viêm amidan cấp tính cụ thể
- 3.3. Điều trị viêm amidan mãn tính cụ thể
Viêm amidan là tình trạng viêm hai mô đệm hình bầu dục phía sau cổ họng, mỗi bên là một amidan. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan bao gồm: quan sát thấy sưng ở amidan, khó nuốt, đau họng và có xuất hiện hạch mềm ở hai bên cổ. Việc điều trị viêm amidan còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Hầu hết các trường hợp viêm amidan là do vi rút thông thường gây nên, tuy nhiên, nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây viêm amidan.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà việc điều trị bệnh cũng sẽ thực hiện theo các phương pháp khác nhau. Do đó, việc chẩn đoán kịp thời và chính xác nguyên nhân gây bệnh amidan để có phương án điều trị thích hợp là vô cùng cần thiết.
1. Chẩn đoán viêm amidan
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm amidan bằng cách khám sức khỏe theo các bước sau:
- Sử dụng dụng cụ có ánh sáng để xem xét cổ họng, tai và mũi để xem có phát hiện nhiễm trùng hay không.
- Kiểm tra các phát ban scarlatina – phát ban có liên quan đến bệnh viêm họng hạt.
- Nhẹ nhàng kiểm tra xem cổ bệnh nhân có các hạch bị sưng lên không.
- Nghe nhịp thở bằng ống nghe; đồng thời kiểm tra lá lách.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thực hiện một số kiểm tra khác như:
1.1. Ngoáy họng
Với xét nghiệm đơn giản này, bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc vô trùng để quết vào phía sau cổ họng người bệnh để lấy mẫu dịch tiết. Mẫu này sẽ được kiểm tra tại phòng khám hoặc phòng thí nghiệm để tim xem có vi khuẩn liên cầu hay không.
Nếu kết quả kiểm tra dịch tiết cho kết quả dương tính, thì gần như chắc chắn người bệnh bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Còn nếu kết quả kiểm tra cho kết quả âm tính thì có thể bạn bị nhiễm vi rút.
1.2. Kiểm tra số lượng tế bào máu hoàn chỉnh (CBC)
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện CBC thông qua việc lấy máu người bệnh. Kết quả sẽ cho biết liệu nhiễm trùng do tác nhân nào gây ra; vi khuẩn hay vi rút. Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh viêm họng hoặc viêm amidan thường không cần đến xét nghiệm CBC.
2. Các biện pháp điều trị viêm amidan
Tùy vào nguyên nhân gây viêm amidan mà bác sĩ sẽ đề ra các phương án điều trị khác nhau, bao gồm:
2.1. Chăm sóc tại nhà
Cho dù viêm amidan do nhiễm vi khuẩn hay vi rút thì các phương pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp cho người bệnh thoải mái hơn và quá trình phục hồi cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Nếu viêm amidan là do vi rút gây nên thì việc chăm sóc tại nhà được xem là cách điều trị viêm amidan duy nhất. Bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh và người bệnh sẽ cảm thấy khá hơn trong khoảng 7-10 ngày.
Phương án chăm sóc người bị viêm amidan tại nhà thường bao gồm:
Khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi: Bác sĩ cũng khuyến nghị người bệnh ngủ nhiều, nghỉ ngơi nhiều hơn.
Uống đủ nước: Hãy khuyến khích người bệnh uống nhiều nước để cổ họng được giữ ẩm và ngăn chặn tình trạng mất nước.
Chuẩn bị nước muối để súc miệng: Đối với người lớn hoặc trẻ lớn đã biết súc miệng, hãy để người bệnh súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu cơn đau họng.
Tạo ẩm không khí: Nếu có điều kiện, hãy dùng máy tạo ẩm để làm ẩm không khí; loại bỏ không khí khô có thể khiến cổ họng người bệnh đau thêm. Hoặc hãy ngồi thêm vài phút khi tắm nước ấm để tăng độ ẩm cho mũi họng.
Dùng viên ngậm đau họng: Đối với trẻ em trên 4 tuổi, hãy cho người bệnh dùng thêm viên ngậm để giảm đau họng.
Tránh các tác nhân gây kích ứng: Hãy đảm bảo không gian nhà bạn không có các chất gây kích ứng chẳng hạn như bụi bẩn hoặc khói thuốc lá.
Trị đau và sốt: Hãy trao đổi với bác sĩ để có thêm một số loại thuốc giúp giảm đau và hạ sốt hiệu quả. Nếu cơn đau nhẹ và không gây sốt thì không cần dùng thuốc.
2.2. Điều trị viêm amidan bằng thuốc kháng sinh
Nếu xác định nguyên nhân gây viêm amidan do vi khuẩn gây nên, bác sĩ sẽ kê cho người bệnh một đợt thuốc kháng sinh. Penicillin uống trong 10 ngày là loại kháng sinh phổ biến nhất được bác sĩ kê đơn điều trị viêm amidan do liên cầu nhóm A. Trong trường hợp người bệnh bị dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ kê đơn một loại kháng sinh khác để thay thế.
Lưu ý rằng, bạn nên tuân thủ liều lượng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, kể cả khi cảm thấy các triệu chứng hết hẳn. Việc dùng thuốc không đủ liều có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn hoặc gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể.
2.3. Điều trị viêm amidan bằng phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ amidan (hay còn gọi là cắt amidan) có thể được chỉ định trong điều trị viêm amidan tái phát thường xuyên; viêm amidan do vi khuẩn không đáp ứng với thuốc kháng sinh và viêm amidan mãn tính.
Cắt amidan cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện nếu tình trạng viêm amidan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng khác, bao gồm:
- Khó thở khi ngủ
- Khó thở
- Khó nuốt, đặc biệt là thịt và các loại thực phẩm dai khác
- Áp xe không đáp ứng với thuốc kháng sinh
Phẫu thuật cắt amidan thường được thực hiện khá nhanh chóng và người bệnh không cần phải nhập viện. Quá trình hồi phục sau điều trị viêm amidan bằng phương án phẫu thuật thường mất từ 7 đến 14 ngày.
2.4. Điều trị viêm amidan bã đậu như thế nào?
Đối với điều trị viêm amidan ba đậu (viêm amidan có mủ), bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ amidan. Điều trị nội khoa chủ yếu giúp người bệnh tăng sức để kháng, điều trị các triệu chứng và uống thuốc kháng sinh nếu bác sĩ nhận định tình trạng viêm do nhiễm khuẩn hoặc nguy cơ gặp biến chứng.
Một số cách điều trị viêm amidan có mủ nội khoa thường bao gồm: Nghỉ ngơi, uống nhiều nước; dùng thuốc kháng sinh; dùng thuốc giảm đau; súc miệng với các dung dịch kiềm ấm; bổ sung thêm các loại vitamin để tăng cường thể trạng.
Phương án điều trị viêm amidan bã đậu ngoại khoa bao gồm: Cân nhắc cắt amidan nếu có nhiều dấu hiệu biến chứng. Việc phẫu thuật cắt amidan tương đối đơn giản và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe người bệnh sau khi hồi phục.
2.5. Điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em
Các bác sĩ sẽ điều trị viêm amidan dựa trên tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh của trẻ. Trẻ bị viêm amidan cấp thường kéo dài không quá 10 ngày. Phương án điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em thường được sử dụng nhất là điều trị triệu chứng cho trẻ.
Nói chung, cách điều trị viêm amidan ở trẻ nhỏ khá giống với điều trị ở người lớn, bác sĩ cũng có thể chỉ định trẻ dùng thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên chăm sóc trẻ cẩn thận hơn, chẳng hạn như:
- Cho trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn; đồ ăn của trẻ nên ở dạng lỏng, dễ tiêu hóa; đảm bảo trẻ uống đủ nước.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu thấy thân nhiệt trẻ cao trên 38.5 độ C. Uống theo liều lượng và lời khuyên của bác sĩ.
- Hướng dẫn trẻ súc miệng với các loại dung dịch kiềm ẩm
- Quan sát trẻ, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao thì nên đưa trẻ đi khám.
3. Phác đồ điều trị viêm amidan của Bộ Y tế
3.1. Nguyên tắc điều trị
Điều trị viêm amidan cấp tính thường tập trung điều trị triệu chứng, giúp người bệnh nâng cao thể trạng và chỉ dùng kháng sinh khi có đe dọa biến chứng xảy ra.
Đối với viêm amidan mãn tính, việc điều trị chủ yếu là phương án phẫu thuật cắt bỏ amidan.
3.2. Điều trị viêm amidan cấp tính cụ thể
- Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhẹ.
- Dùng paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt.
- Thuốc kháng sinh: Dùng nhóm β lactam đối với trường hợp nhiễm khuẩn, nếu dị ứng nhóm β lactam thì chuyển sang dùng nhóm macrolid.
- Vệ sinh mũi: Nhỏ mũi với thuốc sát trùng nhẹ.
- Bổ sung thêm cho cơ thể các yếu tố vi lượng, canxi, sinh tố.
3.3. Điều trị viêm amidan mãn tính cụ thể
Điều trị viêm amidan bằng phương pháp phẫu thuật là phổ biến, tuy nhiên cần có sự thăm khám và chỉ định chặt chẽ từ bác sĩ. Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi viêm amidan trở thành một ổ viêm có hại cho cơ thể.
3.3.1. Chỉ định phẫu thuật cắt amidan
Phẫu thuật chỉ được chỉ định đối với trường hợp:
- Viêm amidan mãn tính tái phát nhiều lần trong năm
- Viêm amidan mãn tính đe dọa biến chứng như áp xe, sưng viêm tấy
- Viêm amidan mãn tính gây ra nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm mũi, viêm phổi, viêm xoang, viêm tấy hạch hàm dưới.
- Viêm amidan có thể gây một số biến chứng nguy hiểm như: viêm cầu thận, viêm màng tim, nhiễm khuẩn huyết hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài.
- Viêm amidan mãn tính quá phát gây khó nuốt, khó thở và khó nói.
3.3.2. Chống chỉ định phẫu thuật cắt amidan
Chống chỉ định phẫu thuật tuyệt đối với các trường hợp: Người bệnh có các hội chứng chảy máu như rối loạn đông máu; các bệnh nội khoa như suy tim, cao huyết áp, suy thận…
Chống chỉ định phẫu thuật tương đối với các trường hợp: Người bệnh đang có viêm họng cấp tính hoặc đang bị áp xe do viêm amidan; khi đang có viêm cấp tính như: viêm xoang, viêm mũi, mụn nhọt; khi đang có các viêm hoặc nhiễm vi rút cấp tính như: sốt xuất huyết, sởi, cúm, ho gà, bại liệt…;
Khi đang có các bệnh mãn tính chưa điều trị ổn định như: viêm gan, tiểu đường, lao, AIDS, bênh giang mai…; phụ nữ đang trong thời gian kinh nguyệt, cho con bú hoặc mang thai; người trên 50 tuổi, sức khỏe yếu, trẻ quá nhỏ.