Các cấp Hội Phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, tuyên truyền về ATTP
19/09/2018 - 16:27
Các cấp Hội LHPN Hà Nội luôn chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện ATTP. Hội cũng chú trọng xây dựng và thực hiện các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong các làng nghề, ngành nghề sản xuất kinh doanh thực phẩm như sản xuất bánh kẹo, giò chả, bún, miến,...
Chiều ngày 19/9, Hội LHPN TP. Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và kết nối tiêu thụ chuỗi nông sản thực phẩm năm 2018.
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn TP có 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 10 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, hơn 1.000 điểm, hộ giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ, 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 544 chợ, 65 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm.
Do có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh về an toàn thực phẩm (ATTP) trong khi đó đây lại là vấn đề một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Vì vậy, cơ quan chức năng thường xuyên, kiểm tra vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Báo cáo của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong năm 2017, TP. Nội đã kiểm tra 111.166 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 lượt cơ sở vi phạm ATTP. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã thực hiện thanh kiểm tra 75.262 lượt cơ sở, phạt tiền 1.012 cơ sở với số tiền hơn 18,5 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 78 cơ sở.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hà Nội cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của ATTP với xã hội, những năm qua Hội LHPN Hà Nội luôn chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cấp Hội vận động, tuyên tuyền phụ nữ và nhân dân thực hiện ATTP. Các cấp Hội cũng đã chỉ đạo, vận động hội viên phụ nữ xây dựng được các mô hình thực hiện ATTP như “Quầy bán thức ăn chín đảm bảo ATVSTP”, “Tổ phụ nữ chế biến món ăn phục vụ sự kiện”, “nuôi gà an toàn”, “sản xuất chè sạch”,…
Ngoài ra, Các cấp Hội cũng chú trọng xây dựng và thực hiện các mô hình đảm bảo ATTP trong các làng nghề, ngành nghề sản xuất kinh doanh thực phẩm như sản xuất bánh kẹo, giò chả, bún, miến,... Đồng thời, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; xây dựng gần 100 điểm phân phối các sản phẩm thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bà Tuyết cũng cho biết, trong công tác phối hợp đảm bảo ATTP, các cấp Hội Phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Ví như, cán bộ Hội không có kiến thức chuyên môn về ATTP nên tuyên truyền, phổ biến kiến thức còn hạn chế; một số người dân sản xuất kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận bất chấp quy định pháp luật; công tác kiểm tra, giám sát ATTP chưa cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để có thể răn đe người vi phạm.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm, mô hình hoạt động cũng như các vấn đề khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc tham gia công tác đảm bảo ATTP. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng trao đổi, góp ý trong công tác phối hợp quản lý giám sát ATTP và xây dựng chuỗi - kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Từ đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện ATTP của các cấp Hội phụ nữ trong thời gian tới.