Các Đệ nhất phu nhân Mỹ phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump

20/06/2018 - 06:57
Câu chuyện về những trẻ em tị nạn bị chia cắt khỏi bố mẹ ở vùng biên giới Mỹ - Mexico đang khiến người dân Mỹ trở nên phẫn nộ. Không chỉ có bà Melania Trump phản đối chính sách nhập cư khắt khe của chồng mà 4 cựu đệ nhất phu nhân Mỹ là Rosalynn Carter, Hillary Clinton, Laura Bush và Michelle Obama đều lên tiếng chỉ trích.
Sự phản đối mạnh mẽ của những người quyền lực
 
tre-em-ly-tan-o-my-1.jpg
Hình ảnh em bé 2 tuổi bơ vơ khi bị chia tách khỏi mẹ lay động trái tim nhiều người

 

Chính sách "không khoan nhượng" (Zero-tolerance) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp đang bị dư luận chỉ trích gay gắt, đồng thời gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Chính Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, chính sách “không khoan nhượng” đã dẫn đến các cuộc chia ly của gần 2.000 trẻ em khỏi gia đình tại khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Theo ông, trẻ em không nên bị tổn thương bởi những hành động tách chúng ra khỏi cha mẹ và sự gắn kết trong gia đình cần được bảo vệ.
 
melania-trump.jpg
Bà Melania Trump kêu gọi chấm dứt cảnh những đứa trẻ nhập cư bị chia lìa khỏi cha mẹ

 

Là người chủ trương đặt vấn đề giúp đỡ trẻ em là tâm điểm trong chương trình hành động của mình trên tư cách một đệ nhất phu nhân, bà Melania Trump “ghét phải thấy” cảnh trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới và nhấn mạnh quan điểm rằng: "Chúng ta cần một đất nước thượng tôn pháp luật, song cũng cần một đất nước được điều hành bằng cả trái tim”. Bà Melania kêu gọi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hợp tác để chấm dứt cảnh những đứa trẻ nhập cư bị chia lìa khỏi cha mẹ chúng tại khu vực biên giới.
 
hillary-clinton.jpg
Bà Hillary Clinton chỉ trích chính sách của nhập cư của chính quyền Trump

 

4 cựu đệ nhất phu nhân Mỹ cũng đều lên tiếng phản đối một quyết sách của chính quyền đương nhiệm. Phát biểu trước một nhóm phụ nữ tại thành phố New York, bà Hillary Clinton nói việc chia tách các gia đình vượt biên ở biên giới là "một sự sỉ nhục với các giá trị của chúng ta". Còn cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush gọi chính sách nhập cư là "vô đạo đức". Trong bài bình luận nêu quan điểm riêng (OpEd) trên báo Washington Post số mới nhất, bà Laura Bush nói: "Tôi sống ở một bang biên giới. Tôi coi trọng việc thực thi pháp luật và bảo vệ các vùng biên giới quốc tế của chúng ta nhưng chính sách không khoan nhượng này là thô bạo. Nó là điều vô đạo đức. Điều đó khiến tôi đau lòng".
 
laura-bush.jpg
Bà Laura Bush gọi chính sách nhập cư của Mỹ là "vô đạo đức"

 

Bà Laura Bush kêu gọi tinh thần đạo đức của người dân Mỹ trong cách hành xử với người nhập cư. Bà cũng cho rằng chính sách khắc nghiệt này như một vết nhơ trong lịch sử nước Mỹ, giống như cuộc khủng hoảng đại dịch HIV/AIDS và việc giam giữ hàng nghìn người lính Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến thứ 2.
 
tre-em-ly-tan-o-my-2.jpg
Nhiều trẻ em bị nhốt trong lồng sắt khiến các đệ nhất phu nhân bất bình

 

Cựu đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter cho rằng chính sách chia rẽ các gia đình là điều "nhục nhã và xấu hổ với đất nước chúng ta". Bà viết: "Khi tôi còn là đệ nhất phu nhân, tôi đã nỗ lực kêu gọi sự quan tâm tới cảnh khốn cùng của những người tị nạn tháo chạy từ Campuchia sang Thái Lan và đã chứng kiến tận mắt thảm kịch của những bậc cha mẹ và con cái bị chia lìa vì những điều kiện hoàn cảnh ngoài kiểm soát của họ. Việc thực thi và chính sách hôm nay khi tách những đứa trẻ khỏi sự chăm nom của cha mẹ chúng tại biên giới giữa chúng ta với Mexico là một điều nhục nhã và xấu hổ với nước ta".
 
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng đồng tình với quan điểm của bà Laura Bush. Dẫn lại ý kiến của bà Bush trên Twitter, bà Michelle Obama viết: "Đôi khi sự thật vượt qua đảng phái".
 
Nỗi đau ám ảnh của con trẻ
 
tre-em-ly-tan-o-my-5.jpg
Cảnh vạ vật của trẻ em ở trại tị nạn

 

Từ tháng 5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã quyết định triển khai chính sách "không khoan nhượng" nhằm ngăn chặn hàng nghìn gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mỗi tháng rồi xin tị nạn. Theo ước tính, khoảng 2.000 trẻ em đã bị chia cắt khỏi bố mẹ. Con số này tiếp tục tăng sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tuyên bố những người di cư vượt biên bất hợp pháp từ Mexico sang Mỹ, bao gồm cả người đang xin tị nạn, sẽ bị bắt giữ. Mọi đối tượng vượt biên trái phép đều bị xét xử theo luật pháp kể cả khi có con nhỏ. Tất cả các ông bố bà mẹ trong quá trình xét xử đều bị chia cắt khỏi những đứa con của mình.
 
Hàng trăm trẻ em nhập cư chờ đợi vạ vật bên trong những chiếc “lồng kim loại” tại nhà kho cũ miền Nam Texas. Đây là những lồng sắt đan lưới mắt cáo và gia cố thêm bằng chấn song kim loại. Có lồng chứa tới 20 em nhỏ. Chai nước, vỏ bao bim bim, và những mảnh giấy bạc lớn được dùng để sưởi ấm nằm rải rác trên sàn. Nhà vệ sinh lưu động được đặt ở khu vực tập thể.
 
tre-em-ly-tan-o-my-4.jpg
Một bé gái tha thiết kêu gọi cho em ở cùng mẹ

 

Nhiều chuyên gia y tế, lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động nhân quyền lên án chính sách trên và cảnh báo rằng việc bị chia tách khỏi bố mẹ có thể để lại những tổn thương tâm lý cả đời cho những đứa trẻ này. Bà Michelle Brane thuộc Ủy ban Phụ nữ Tị nạn cảm thấy vô cùng đau lòng khi tới thăm nơi này. Bà Brane chứng kiến cảnh một nhóm trẻ vị thành niên phải học cách thay bỉm cho đứa bé khoảng 2 tuổi cùng bị giam giữ. “Chính phủ đang cướp những đứa trẻ khỏi tay cha mẹ chúng theo nghĩa đen và bắt chúng sống trong điều kiện không phù hợp”, bà Brane nói.
 
Tiến sĩ Colleen Kraft, người đứng đầu Học viện Nhi khoa Mỹ, chia sẻ về chuyến thăm tới một trại tị nạn khác cũng thuộc bang Texas. Tại đó, bà không thể rời mắt khỏi em bé khoảng 2 tuổi đang khóc lạc giọng. Các nhân viên dù cố gắng dỗ dành nhưng bé gái vẫn không thể ngừng khóc. Em bị tách khỏi mẹ mới chỉ đêm hôm trước. “Nhân viên tại đó cảm thấy vô cùng căng thẳng và bất lực. Chính quyền Mỹ cần phải tập trung vào tình trạng sức khỏe của trẻ em không dựa trên yếu tố chính trị”, bà Kraft nhấn mạnh.
 
“Những đứa trẻ trong đó chắc chắn phải trải qua tổn thương tâm lý khi bị tách khỏi cha mẹ. Sàn nhà sạch hay ga trải giường phẳng phiu không có ý nghĩa nhiều với chúng”, AP dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley trong chuyến thăm tới cơ sở tị nạn biên giới phía Nam của Mỹ.
 
bieu-tinh.jpg
Biểu tình diễn ra nhiều nơi phản đối sự chia lìa các gia đình

 

Trong những ngày qua, nhiều người dân trên khắp nước Mỹ đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành mang tên “Families belong together” (Gia đình cùng bên nhau) để phản đối chính sách “không khoan nhượng” này. Thậm chí, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ mới đây cũng đã tham gia cuộc biểu tình tuần hành ở bang New Jersey và Texas. Những người tham gia tuần hành đã giơ cao các biểu ngữ có nội dung như “Trẻ em cần cha mẹ, không cần nhà kho”, "Chấm dứt chia tách gia đình" hay “Đừng gây rắc rối với những người mẹ”, “Chấm dứt trại tập trung của Tổng thống Trump”...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm