Các doanh nhân Việt ở Hàn Quốc vẫn an toàn và lên kế hoạch ứng phó với Covid-19

Hưng Long
24/02/2020 - 13:34
Các doanh nhân Việt ở Hàn Quốc vẫn an toàn và lên kế hoạch ứng phó với Covid-19
Ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc - thông tin về tình hình doanh nghiệp ở Hàn Quốc vẫn an toàn. Các doanh nhân đang có những kế hoạch để ứng phó với dịch bệnh tại quốc gia này.

Ngày 24/02, truyền thông Hàn Quốc dẫn lời giới chức nước này thông báo vừa có thêm 161 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 763 ca. Số người tử vong tại Hàn Quốc do virus corona chủng mới là 7 người.

Hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 có số ca nhiễm virus corona chủng mới và đã vượt qua Nhật Bản với hơn 600 ca nhiễm trên tàu du lịch. Hàn Quốc cũng đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ cao nhất trong 4 cấp.

Các doanh nhân Việt ở Hàn Quốc vẫn an toàn và lên kế hoạch ứng phó với COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc

Một số doanh nghiệp đã cho tạm nghỉ trong thời gian này. Các doanh nghiệp ở vùng chưa phát hiện dịch bệnh thì vẫn hoạt động và tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc

Trao đổi với Báo PNVN, ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc - cho biết, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã ra thông báo lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc khuyến cáo. Kiều bào phải thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Ông Trần Hải Linh đánh giá, cuộc sống của bà con Việt kiều tại Hàn Quốc vẫn ổn định nhưng tâm lý chung là có hoang mang và đặc biệt là một số bạn trẻ ở vùng dịch bệnh. Nhiều bà con Việt kiều chủ yếu là những nhóm lẻ tương tác với nhau.

Ông Linh chia sẻ, dịch bệnh thì bị ảnh hưởng chung và nhất là khối thương mại - dịch vụ và du lịch. Đây là khối ngành chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Hàn Quốc. Một số doanh nghiệp đã cho tạm nghỉ trong thời gian này. Các doanh nghiệp ở vùng chưa phát hiện dịch bệnh thì vẫn hoạt động và tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đơn cử, các doanh nghiệp kiểm tra thân nhiệt nhân viên và các triệu chứng trước khi vào công ty, nhà xưởng, nhà hàng. Doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải rửa tay sát khuẩn liên tục và đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.

Về phía Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc đã đưa ra các thông tin khuyến cáo kịp thời đến tất cả các thành viên. Các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ nhau trang bị thêm các trang thiết bị phòng dịch, như: Nước sát trùng tay, dung dịch phun sương kháng khuẩn, mặt nạ, mũ đội phòng chống, máy đo thân nhiệt, vitamins và các thực phẩm chức năng bổ sung để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cho hệ hô hấp...

Nếu như ở Trung Quốc xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang khi bùng phát dịch thì ở Hàn Quốc lại không xảy ra tình trạng như trên. Ông Trần Hải Linh nhận định, do Hàn Quốc đã có chính sách kiểm soát chặt chẽ khẩu trang. Hàn Quốc cũng là nước mạnh trong sản xuất khẩu trang nên hiện chưa xảy ra tình trạng khan hiếm dù nhu cầu người dân mua ngày càng tăng cao, dẫn đến một số điểm bán có thể hết hàng nhanh.

Các doanh nhân Việt ở Hàn Quốc vẫn an toàn và lên kế hoạch ứng phó với COVID-19 - Ảnh 4.

Hàn Quốc đẩy mạnh việc vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh

Ông Linh thông tin thêm, hôm nay, 24/2, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục cùng các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ phòng dịch. Có 2,12 triệu chiếc khẩu trang được cung cấp cho khu vực Daegu và Gyeongbuk. Đây là nơi được chỉ định là khu vực quản lý đặc biệt đối với dịch. Giá 1 chiếc khẩu trang tại Hàn Quốc là 820 Won, tương đương gần 16.000 đồng Việt Nam. Mức giá này vẫn còn rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Chính phủ nước này cũng quy định, mỗi một người chỉ được mua 30 chiếc khẩu trang và đủ để dùng cho 1 tháng.

phunuvietnam.vn tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc sống người Việt Nam ở Hàn Quốc trong đợt dịch này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm