Các hiểm họa trên không gian mạng đối với phụ nữ ngày càng khó lường

Thu Hà - Hải Hòa
29/03/2023 - 22:32
Các hiểm họa trên không gian mạng đối với phụ nữ ngày càng khó lường

Ảnh minh họa

Cùng với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ, các loại hình tội phạm nhằm vào nữ giới ngày càng khó lường...

Các hiểm hoạ trên không gian mạng đối với phụ nữ

Chia sẻ tại Diễn đàn quốc tế "Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM" sáng 29/3, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi -  Phó Trưởng phòng tham mưu, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an - nhận định, tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô, trong đó có nhiều hiểm hoạ nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.

Nhiều thủ đoạn tinh vi được các đối tượng sử dụng như lừa tình, lừa tiền qua mạng hòng chiếm đoạt tài sản của những nạn nhân thường là nữ giới thiếu thốn tình cảm, cô đơn, cả tin. Một trong những vụ việc điển hình có thể kể đến là Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Cục kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an và Công an TPHCM đánh sập đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet quy mô rất lớn, lên đến gần 400 tỷ đồng vào năm 2020. 

Theo đó, thông qua mạng xã hội Whatsapp, một số đối tượng người Niegeria giả là quân nhân, bác sĩ nước ngoài… kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau một thời gian trò chuyện, ngỏ lời yêu đương, nhóm người nước ngoài này sẽ bày tỏ muốn tặng quà, gửi ngoại tệ có giá trị cao cho các bị hại hòng làm mồi nhử. Khi có được thông tin của bị hại, chúng chuyển cho các đối tượng khác sinh sống ở Campuchia để lấy thông tin các tài khoản ngân hàng.

Tại Việt Nam, đối tượng Lê Thành Nhân sẽ "giả danh" nhân viên quản lý và giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có một kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại nộp các khoản phí qua các tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng. Bằng những thủ đoạn này, chỉ trong khoảng 6 tháng, nhóm người này đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên cả nước.

An ninh mạng và những lưu ý đối với phụ nữ - Ảnh 1.

Đối tượng Lê Thành Nhân trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet lên đến gần 400 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Vương

An ninh mạng và những lưu ý đối với phụ nữ - Ảnh 2.

Tang vật vụ án. Ảnh: Nguyễn Vương

Hay sự việc ca sĩ Văn Mai Hương bị tin tặc phát tán một số đoạn phim riêng tư, các nữ sinh bị quay lén trong nhà vệ sinh công cộng, phát tán hình ảnh qua những trang web khiêu dâm đã cho thấy sự tinh vi của một loại hình tội phạm công nghệ cao trong việc xâm phạm bí mật dời tư qua thiết bị IoT.

Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi cũng cho biết vấn nạn mua bán người qua mạng hiện nay trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết khi phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. "Chỉ trong 5 năm (từ 2012-2017), 3.090 nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em sử dụng các ứng dụng liên lạc trực tuyến, dịch vụ hẹn hò, hội nhóm kín đã bị lừa bán ra nước ngoài, cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục và chịu nhiều hậu quả nặng nề" - Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi chia sẻ.

Cùng với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ, các loại hình tội phạm nhằm vào nữ giới ngày càng khó lường như giả danh lực lượng thực thi pháp luật, người thân trong gia đình, những người có uy tín trong xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay gần đây, nhiều hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng hoặc các chiêu trò thu hút đầu tư ảo cũng khiến nhiều người "sập bẫy".

Giải pháp và những lưu ý với phụ nữ khi sử dụng mạng internet

Để giải quyết tình trạng này, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi cho biết Bộ Công an tham mưu xây dựng Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; mục đích nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng (bao gồm phụ nữ và trẻ em gái). 

An ninh mạng và những lưu ý đối với phụ nữ - Ảnh 3.

Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi khuyến nghị phụ nữ khi sử dụng mạng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân

Cùng với đó, Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ban ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử  dụng nhiều lao động nữ, các em gái có hoàn cảnh đặc biệt… để họ không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, phụ nữ khi sử dụng mạng cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; có ý thức cập nhật thông tin, kiến thức về an ninh mạng; đồng thời không nên chia sẻ những thông tin cá nhân nhạy cảm, cẩn trọng khi sử dụng thiết bị IoT hoặc các tập tin lạ. Bên cạnh đó, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em gái cũng cần được chú trọng để nâng cao cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân trong thời buổi công nghệ số phát triển nhanh như hiện nay.

Diễn đàn quốc tế "Phụ nữ, An ninh Mạng và STEM" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức ngày 29/3 nhằm hưởng ứng chủ đề do Liên hợp quốc phát động cho Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2023 "Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới", đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ làm chủ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và không gian mạng.

Diễn đàn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành TƯ; Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và hơn 400 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ các Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Hội LHPN 63 tỉnh/thành trên cả nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm