pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các hủ tục gây sức ép lớn đến thực hiện bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: PVH
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Hiện nay, nhiều phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số (DTTS) đang phải đối mặt với nhiều quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người như tục "kéo vợ" hay "kéo dâu" của đồng bào DTTS ở phía Bắc bị biến tướng sang hình thức "cướp vợ", "bắt vợ". Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn biến phức tạp.
Tục thách cưới của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên diễn ra phổ biến, vật thách cưới này thường là trâu, bò, chum ché, vàng, tiền, thường cao so với điều kiện kinh tế thực tại của gia đình nhà gái.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, những hủ tục lạc hậu trên đã tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người phụ nữ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để mang thai và sinh con, điều này dễ xảy ra tình trạng người mẹ tử vong sau khi sinh hoặc rối loạn tâm lý hậu sinh. Đây còn là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ DTTS liên quan đến thai sản.
Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Năm 2018, con số này là 27,5%; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 22,4%.
Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%.
Cùng với đó, phụ nữ DTTS kết hôn sớm thường ít có cơ hội tiếp cận với vấn đề đào tạo nghề. Phụ nữ và trẻ em gái kết hôn sớm, thường bỏ dở việc học hành, hạn chế việc tiếp thu những tri thức tiên tiến, hiện đại, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, tài năng; phải lao động từ sớm để trang trải cho cuộc sống gia đình, gây khó khăn trong bảo đảm các quyền của trẻ em; là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lừa lao động, hoặc là nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Các hủ tục trên gây ra sức ép lớn đến việc thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ, làm hạn chế sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc. Đồng thời các hủ tục lạc hậu cũng góp phần tác động đến sự phát triển lâu dài của vùng DTTS.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương, để có thể xóa bỏ, giảm thiểu các tập tục văn hóa có hại - các hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái DTTS, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và chị em các dân tộc.
Tại hội thảo, các đại biểu từ Hội LHPN các tỉnh, thành; đại diện cơ quan, ban ngành của tỉnh Bắc Giang tập trung thảo luận, trao đổi những vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách, quy định, cũng như chỉ ra các vấn đề về tập tục đang diễn ra tại các địa bàn DTTS. Đồng thời chia sẻ những hoạt động của Hội LHPN nhiều tỉnh, thành phố nhằm thay đổi quan niệm, thái độ và hành vi đối với các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, hạn chế sự phát triển của phụ nữ, trẻ em gái DTTS.
Qua đó góp tiếng nói nâng cao hiệu quả cũng như phát huy vai trò, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong đề xuất các giải pháp chính sách, pháp luật, cơ chế để giảm thiểu và đi đến xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống các tộc người.
Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từ năm 2013-2019, Việt Nam có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), đa số là người DTTS.