Các kháng thể được tạo ra bởi 2 liều vaccine AstraZeneca và Pfizer bắt đầu suy yếu chỉ sau 6 tuần

N.A
22/07/2021 - 23:38
Các kháng thể được tạo ra bởi 2 liều vaccine AstraZeneca và Pfizer bắt đầu suy yếu chỉ sau 6 tuần
Theo nghiên cứu của đơn vị UCL Virus Watch (Anh), kháng thể tạo ra do vaccine ngừa Covid-19 nhanh chóng sụt giảm và thế giới có thể sẽ lại phải tiếp tục tiêm liều thứ 3.

Các nhà khoa học của UCL phát hiện ra rằng, các kháng thể được tạo ra bởi 2 liều vaccine Oxford/AstraZeneca và Pfizer/BioNTech bắt đầu suy yếu, có thể chỉ ngay 6 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2. Tờ The Guardian còn đưa tin, trong một số trường hợp, kháng thể tụt hơn 50% trong vòng 10 tuần.

Các nhà nghiên cứu của UCL nhấn mạnh rằng cả hai loại vaccine đều cực kỳ hiệu quả để chống lại Covid-19, nhưng cho biết những phát hiện này gợi ý rằng có thể cần tiêm thêm liều bổ trợ thứ 3, đặc biệt là với những ai đã tiêm Oxford/AstraZeneca.

Giáo sư Rob Aldridge, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại trường University College London (Anh), cho biết: "Chúng tôi biết mức độ kháng thể bắt đầu thì cao và rồi giảm xuống đáng kể. Chúng tôi lo ngại rằng nếu chúng tiếp tục giảm với tốc độ chúng tôi đã thấy, tác dụng bảo vệ của vaccine cũng sẽ bắt đầu giảm và câu hỏi lớn là, khi nào điều đó sẽ xảy ra?"

Nhóm nghiên cứu của UCL đã phân tích máu của 605 người được tiêm chủng, chủ yếu ở độ tuổi 50 và 60. Họ thừa nhận rằng Pfizer/BioNTech có xu hướng tạo ra nhiều kháng thể chống lại virus hơn nhiều so với Oxford/AstraZeneca.

Theo nghiên cứu này, trong 3 đến 6 tuần sau khi tiêm chủng đầy đủ với vaccine Pfizer, nồng độ kháng thể thường ở mức khoảng 7.500 đơn vị mỗi mililit (ml), nhưng giảm hơn một nửa xuống còn 3.320 đơn vị mỗi ml sau 10 tuần. Đối với vaccine AstraZeneca, mức kháng thể đạt đỉnh khoảng 1.200 đơn vị mỗi ml và thường giảm xuống 190 đơn vị mỗi ml sau 10 tuần.

Kể từ khi công bố kết quả trong một bức thư cho tạp chí y khoa uy tín Lancet, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy xu hướng tương tự ở hơn 4.500 người tham gia nghiên cứu. Họ cũng cho rằng, mức độ kháng thể rất quan trọng để bảo vệ, nhưng hệ thống miễn dịch có các biện pháp bảo vệ khác được xây dựng sau khi nhiễm trùng hoặc tiêm chủng.

Mức độ kháng thể suy giảm theo thời gian là điều bình thường và hệ thống miễn dịch "ghi nhớ" sự lây nhiễm bằng các tế bào nhớ B. Khi virus xâm nhập, các tế bào này nhanh chóng tạo ra các kháng thể nhắm vào virus. Sự bảo vệ sâu hơn đến từ các tế bào T, chúng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các kháng thể được tạo ra bởi 2 liều vaccine AstraZeneca và Pfizer bắt đầu suy yếu chỉ sau 6 tuần - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu của đơn vị UCL Virus Watch (Anh), kháng thể tạo ra do vaccine ngừa Covid-19 nhanh chóng sụt giảm và thế giới có thể sẽ lại phải tiếp tục tiêm liều thứ 3. Ảnh: BBC

Giáo sư Matthew Snape, nhà tiêm chủng học tại trường Đại học Oxford (Anh), cho biết: "Bản thân các nghiên cứu như thế này không cung cấp bằng chứng về việc giảm khả năng bảo vệ của vaccine nhưng thực sự quan trọng để giúp chúng ta hiểu điều gì đang xảy ra nếu các nghiên cứu dựa trên dân số cho thấy mức độ bảo vệ giảm dần kể từ khi chủng ngừa".

Theo ông Snape, sự suy giảm các kháng thể trong máu sau khi chủng ngừa có thể xảy ra nhưng không nhất thiết làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc bảo vệ chống lại nhiễm trùng cũng có thể phụ thuộc vào việc có hay không có kháng thể trong niêm mạc đường hô hấp và các tế bào T cũng có thể bảo vệ chống lại sự tiến triển thành bệnh nặng sau nhiễm trùng.

Giáo sư Snape bổ sung: "Tuy nhiên, rõ ràng là không thể đảm bảo khả năng bảo vệ liên tục của vaccine trong nhiều tháng đến nhiều năm sau khi tiêm chủng. Do đó quan trọng là phải cảnh giác liên tục đối với bất kỳ sự gia tăng các ca nhiễm trùng đột phá nào".

Còn tại Hoa Kỳ, các cố vấn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) sẽ nhóm họp vào ngày 22/7 để thảo luận về vấn đề này. Trong cuộc họp, họ sẽ xem xét dữ liệu sơ bộ về việc liệu có cần tiêm thêm liều thứ 3 trong tương lai cho người dân Hoa Kỳ.

Đầu tháng 7/2021, hãng sản xuất vaccine Pfizer đã thông báo rằng họ muốn cung cấp liều ba.

Hãng Moderna, dùng chung công nghệ giống Pfizer, cũng đã công khai bày tỏ niềm tin rằng có thể cần phải sử dụng liều tăng cường. Vào tháng 5/2021, Giám đốc điều hành của hãng Moderna Stephane Bancel cho biết: "Chúng tôi tin rằng sẽ cần tiêm các mũi tăng cường vì chúng tôi tin rằng virus sẽ không biến mất".

Tiến sĩ Anthony Fauci thì cho biết, Hoa Kỳ cần thêm dữ liệu trước khi khuyến nghị có tiêm thêm liều bổ trợ hay không?

Nguồn: Theo BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm