Các khu công nghiệp đã phong tỏa hơn chục ngày, cuộc sống công nhân thực sự khó khăn

Linh Trần
27/05/2021 - 07:45
Các khu công nghiệp đã phong tỏa hơn chục ngày, cuộc sống công nhân thực sự khó khăn

Nhóm từ thiện Tâm Đức (Bắc Giang) tự đi thu hoạch rau củ, kể cả ớt do người dân tặng để hỗ trợ công nhân khu cách ly.

Việc phong tỏa, cách ly do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở Bắc Giang khiến nhiều người gặp khó khăn, nhất là công nhân. Những ngày qua, Bắc Giang nhận được sự quan tâm rất lớn của cả nước.

Nhóm từ thiện đi thu hoạch ngô để hỗ trợ công nhân

Những ngày qua, diễn biến dịch Covid-19 tại Bắc Giang vẫn đang phức tạp. Để phòng chống dịch, nhiều khu dân cư bị phong tỏa, nhà máy dừng hoạt động,.. khiến sinh hoạt, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, là đối tượng công nhân ở các tỉnh đến làm việc tại Bắc Giang. Cũng vì thế, tại địa phương, đã có nhiều người, một số hội nhóm đứng ra chia sẻ, hỗ trợ cho đối tượng công nhân.

 Chị Nguyễn Thị Hà, thành viên nhóm từ thiện Tâm Đức (Bắc Giang) cho biết, từ khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, các thành viên trong nhóm thường xuyên kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ những gia đình khó khăn trong khu vực cách ly. Tuy nhiên, ưu tiên của nhóm vẫn là công nhân tai các khu vực bị phong tỏa. Thông thường, đồ hỗ trợ của nhóm có thể là gạo, mỳ tôm, nước mắm, rau củ quả, thịt, cá… là những đồ thiết yếu cho người dân.

Chuyện về y bác sĩ chống dịch Covid-19  Bài cuối: Cộng đồng chung tay hỗ trợ tâm dịch - Ảnh 1.

Thành viên nhóm Tâm Đức đi thu hoạch ngô để hỗ trợ công nhân

Khi trao đổi với chúng tôi, các thành viên nhóm từ thiện Tâm Đức đang đi thu hoạch ớt, ngô ở xã Thượng Lan (huyện Việt Yên). Đây là nông sản của một hộ dân địa phương. Họ ủng hộ nhóm, nhưng không có người thu hoạch, vận chuyển nên các thành viên đến tận nơi thu hoạch, đưa về nơi tập kết. "Mọi người ủng hộ gì chúng em nhận hết, từ rau củ, quả cho đến mắm muối, mỳ chính,... Nếu bà con người không có người thu hoạch, vận chuyển thì nhóm sẽ đến tận nơi để nhận. Nhóm sẽ thu hoạch, vận chuyển đưa về nơi tập kết để phân chia, đóng gói rồi mang đến các xóm trọ chia cho công nhân", Hà chia sẻ.

Phần lớn, các thành viên nhóm Thiện Tâm đều là công nhân nên hiểu được khó khăn của những công nhân đang phải trải qua trong khu vực cách ly, phong tỏa. Hơn nữa, lần này, dịch đến nhanh và bất ngờ, công nhân không đi làm được, không có thu nhập. Không những thế, nhu yếu phẩm cũng thiếu thốn. Bởi những ngày đầu thực hiện cách ly, công nhân còn ra ngoài mua được lương thực, rau xanh. Nhưng hiện nay, nguồn cung hạn chế, việc mua bán thực phẩm cũng khó khăn hơn, cộng với việc công nhân không còn tiền. Vì thế, nhóm kêu gọi ủng hộ rồi phân chia, đưa đến từng khu trọ để hỗ trợ công nhân. 

Các khu công nghiệp đã phong tỏa hơn chục ngày, cuộc sống công nhân thực sự khó khăn - Ảnh 2.

Những suất quà nghĩa tình của các nhóm thiện nguyện chung tay hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn ở Bắc Giang

Trước khi trao đồ ủng hộ, nhóm sẽ liên hệ với chính quyền thôn xin danh sách những công nhân khó khăn. Thậm chí, nhóm còn cử thành viên đến tận nơi khảo sát rồi dự trù kinh phí, lên kế hoạch hỗ trợ. 

"Nếu 2-3 ngày không ra ngoài, thì công nhân có thể cầm cự được, nhưng nay các khu công nghiệp đã phong tỏa hơn chục ngày thì họ rất khó khăn. Thực phẩm lúc này với công nhân rất quan trọng, cần sự hỗ trợ của người dân để duy trì cuộc sống", một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Nhiều người bảo, từ thiện trong vùng dịch lúc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ, các thành viên trong nhóm đều mặc quần áo đồ bảo hộ. 

Ngoài ra, nhóm cũng quy định, thành viên chỉ được tham gia khi có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2. Trường hợp thành viên nào có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 thì nhóm sẽ liên hệ với chính quyền địa phương để hỗ trợ tets nhanh và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế. "

Chúng em vào vùng dịch, cũng lo  lắm, bởi chẳng may ai đó bị lây nhiễm sẽ lây cho cả nhà, người thân nên mọi người phải tự bảo vệ mình", Hà chia sẻ.

Được biết, nhóm từ thiện Tâm Đức hoạt động được gần 3 năm. Hiện tại, nhóm có khoảng 20 thành viên, phần lớn là công nhân, độ tuổi từ 18-40 tuổi. Trước khi thành lập nhóm, các thành viên thường đi từ thiện ở  vùng cao như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn,… chứng kiến cuộc sống của nhiều người còn rất khó khăn, nhất là những em nhỏ nên chung tay hỗ trợ.

"Chúng em chẳng có nhiều tiền, chỉ có tâm và sự nhiệt tình. Chúng em muốn làm việc có ích, cùng với chính quyền nhân dân cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh. Giờ chúng em cũng chỉ mong sao cho dịch sớm chấm dứt, nhà máy hoạt động, công nhân đi làm để mọi người bớt khó khăn, vất vả".

Chị Nguyễn Thị Hà, thành viên nhóm từ thiện Tâm Đức (Bắc Giang)

Tuy nhiên, nếu làm cá nhân thì hiệu quả không cao, vì thế 3 năm trước nhóm quyết định thành lập đặt tên nhóm từ thiện Tâm Đức.

Trước khi có dịch, nhóm thường chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn như gia đình có trẻ mồ cô cả cha lẫn mẹ, cụ già neo đơn, gia đình mắc bệnh hiểm nghèo. Khi có dịch, nhóm tập trung hỗ trợ đối tượng công nhân ở xa, ở trọ, bị cách ly. 

Các thành viên tham gia rất nhiệt tình, thậm chí có bạn chưa từng ra ruộng nhưng khi có người cho rau củ đã lao ra đồng làm việc từ sáng đến trưa mà không hề kêu ca. 

Cộng đồng chung tay sẻ chia với tâm dịch

Những ngày qua, Lê Thị Thu Huyền (SN 1997, quê ở, huyện Tân Yên, Bắc Giang) là công nhân Công ty Vinacell (Khu công nghiêp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) cũng "bận rộn" với việc hỗ trợ công nhân khu vực phong tỏa. Huyền cho biết, thị trấn Nếnh nơi em ở trọ bị cách ly từ ngày 11/5. Gần 100 công nhân ở 35 phòng trọ nơi Huyền thuê đa số đều ở tỉnh ngoài đến Bắc Giang làm việc. 

Những ngày qua, nhiều công nhân khu trọ của Huyền gặp khó khăn do thiếu lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm. Một phần do hết tiền, một phần nguồn cung hạn chế, việc mua bán cũng khó khăn hơn. Huyền là công nhân, nên cô hiểu và mong giúp đỡ đồng nghiệp trong khả năng của mình.  "Bản thân em là công nhân nên cũng hiểu nỗi khổ của mọi người. Em lợi hơn là nhà ở cách nơi làm có 20km, nên gia đình có thể hỗ trợ khi cần. Thấy các bạn như vậy, em thương lắm", Huyền chia sẻ.

Chuyện về y bác sĩ chống dịch Covid-19  Bài cuối: Cộng đồng chung tay hỗ trợ tâm dịch - Ảnh 4.

Anh Đặng Minh Trí và chiếc xe cứu thương từ Quảng Bình ra Bắc Giang để hỗ trợ tâm dịch

Ở quê, gia đình Huyền làm ruộng, có trồng rau, củ. Vì vậy, cô nghĩ trước hết là xin hỗ trợ từ gia đình. Huyền gọi về quê xin cha mẹ ruộng rau muống và 10 thước trồng dưa chuột để ủng hộ công nhân. Nghe chuyện, bố mẹ thương con, thương công nhân nên đồng ý. Ngoài số rau, dưa Huyền xin gia đình có bí xanh, lạc nhân dự trữ cũng gom lại chuyển cho con. Bà con trong thôn, xã nghe bố mẹ Huyền kể chuyện, rồi xem trên ti vi, báo, đài, cũng thu gom nông sản gửi cho Huyền để hỗ trợ công nhân.

Sau khi thu gom thực phẩm ở quê, chú Huyền hỗ trợ chuyến xe chuyển đến chốt kiểm dịch. Huyền nhờ thành viên tổ kiểm dịch nhận rồi vận chuyển về khu trọ.  "Ngày 23/5, em nhận được hơn 6 tạ nông sản, thực phẩm. Em mượn một phòng bỏ trống của chủ nhà để đưa nông sản vào đó, rồi huy động 5 bạn cùng xóm trọ đến đóng vào các túi. Mỗi túi gồm: Gạo, trứng, rau (dưa chuột, bí, đỗ...), lạc, cá mắm, bột canh, mì chính...đủ cho hai ngày ăn và cả đồ dùng cho nữ công nhân. Em mượn 2 chiếc xe đẩy rồi mang đến cho những người cần đã có địa chỉ được chính quyền cung cấp thông tin. Chỉ trong ngày 23-24/5, em đã phát được 2.000 suất. Hiện gia đình đang tiếp tục thu gom nông sản, ủng hộ của bà con gửi đến cho em", Huyền chia sẻ.

Để hỗ trợ tâm dịch, mỗi người có cách làm khác nhau. Người thì hỗ trợ tiền của, người hỗ trợ vật chất nhưng cũng có người hỗ trợ công sức. Với Đặng Minh Trí (SN 1997, quê Quảng Bình) anh lại hỗ trợ theo cách khác. Trước khi ra Bắc Giang, anh Trí lái xe cứu thương chở bệnh nhân cấp cứu cho một Công ty tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình). Hay tin dịch bùng phát ở Bắc Giang, anh xin phép bố mẹ cũng như phía Công ty để ra Bắc Giang tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và được đồng ý.

Ngày 26/5, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa quyết định tặng Bằng khen cho anh Đặng Minh Trí, nhân viên Công ty TNHH vận tải Tâm Trí ở xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) vì đã có đóng góp tích cực, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ngày 22/5, anh Trí đã lái xe cứu thương từ Quảng Bình ra Bắc Giang tham gia chống dịch Covid-19. Tại đây, anh được bố trí về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bắc Giang để hỗ trợ vận chuyển người và thiết bị y tế. Sau vài ngày làm việc, mọi người đều nhận xét Trí chăm chỉ, cố gắng, làm tốt công việc được giao. Trí bảo, mọi công việc hỗ trợ phòng, chống dịch ở tỉnh Bắc Giang, bản thân hoàn toàn không đòi hỏi điều gì. Chỉ mong được giúp công, giúp sức cùng chính quyền địa phương chung tay đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Giang. "Tôi sẽ ở Bắc Giang làm việc, cống hiến cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi mới về quê", Trí chia sẻ.


* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm