Các nước Tiểu vùng Mekong tích cực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

30/03/2018 - 15:07
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6), ngày 30/3, đã diễn ra buổi thảo luận về chủ đề "Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS".
nu-doanh-nghiep-gms6-4.jpgDoanh nghiệp các nước tham gia Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng


Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội đồng Kinh doanh GMS tổ chức Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng với chủ đề “Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”. 
Các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong GMS, đẩy mạnh hợp tác, hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, hiệp định đã cam kết, tận dụng tốt nguồn đầu tư 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trên toàn khu vực, đưa nền tảng kinh tế - xã hội của 6 quốc gia GMS lên một tầm cao mới.

nu-doanh-nghiep-gms6-3.jpg
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc


Tại phiên thảo luận về chủ đề "Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS", các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh rằng động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ... Theo ông Lộc, VCCI đã đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS để từ đó sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bà Đỗ Thu Giang - Giám đốc điều hành Công ty GreenGen - cho biết, trên nền tảng chế tạo, phân phối các lò nhựa và biogas cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn của các quốc gia GMS, sản phẩm của công ty được nghiên cứu nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hiện nay, tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nhiều gia đình vẫn đang sử dụng các loại bếp truyền thống, thải ra môi trường nguồn khí ô nhiễm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Đây là những người trực tiếp làm công việc nấu ăn trong các gia đình. 

Theo bà Giang, doanh nghiệp của bà mong muốn phát triển kinh doanh mặt hàng thông qua hệ thống cộng tác viên nữ trong cộng đồng, góp phần giúp người phụ nữ cải thiện lợi ích kinh tế trong gia đình, tăng quyền năng kinh tế trong cộng đồng nói chung. Qua đó, sẽ củng cố tiếng nói, xây dựng những tấm gương về sự bứt phá, nỗ lực kinh doanh - khởi nghiệp. 

souphaphone-souannavong-toh-lao.jpg
Bà Souphaphone Souannavong - Người đứng đầu doanh nghiệp Toh Lao (Lào)


Bàn về quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp, bà Souphaphone Souannavong - Người đứng đầu doanh nghiệp Toh Lao (Lào) cho biết, Lào đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuẩn hóa hoạt động, tạo cơ hội hợp tác, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặc dù doanh nghiệp khởi nghiệp của Lào chưa thực sự trở thành những điển hình sáng trong khu vực nhưng bằng việc nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế và cải thiện mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp Lào đã hoạt động khá hiệu quả, đạt được một số thành công nhất định, với nhiều tiềm năng tiếp tục mở rộng, phát triển trong tương lai. 

Theo bà Souphaphone Souannavong, bên cạnh việc nghiên cứu, tạo nên những vườn ươm khởi nghiệp, doanh nghiệp Toh Lao  cũng tham gia kinh doanh về cung cấp nền tảng tin học, thực hiện các chương trình chia sẻ mục tiêu với nội dung hỗ trợ những công ty khởi nghiệp phát triển một cách mạnh mẽ, vươn tầm không chỉ trong khu vực mà cả quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp Lào đang ngày càng phát triển với việc ưu tiên ứng dụng số hóa và khoa học công nghệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm