Các tai biến nặng do tiêm vaccine rất hiếm

BS Nguyễn Thị Thu Trang - BS Nguyễn Quang Lâm
20/07/2021 - 14:51
Các tai biến nặng do tiêm vaccine rất hiếm

BS Nguyễn Thị Thu Trang, Bệnh viện Vinmec đang khám sàng lọc để chích ngừa cho người dân TPHCM. Ảnh: BST

Nhiều người vẫn còn băn khoăn về các tác dụng phụ có thể xảy ra trong và sau tiêm vaccine. Vậy sau tiêm vaccine thì cần phải theo dõi như thế nào để đảm bảo an toàn?

Sau tiêm vaccine COVID-19 có thể gặp phải các tác dụng phụ thông thường sau:

• Phản ứng tại chỗ tiêm: Đau tại chỗ tiêm; phát ban, mẩn đỏ, sưng, nóng, ngứa tại chỗ tiêm

• Phản ứng toàn thân: Đau đầu; sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, ngứa; chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm; nghẹt mũi, khô họng, đau chân tay; đau bụng, phát ban; khó chịu, nổi hạch...

Các tai biến nặng do tiêm vaccine rất hiếm - Ảnh 1.

Vaccine Moderna do Mỹ tài trợ đã được chuyển vào TPHCM để chích cho người dân. Ảnh: BST

Theo CDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ) cập nhật đến 13/07/2021 thì tỉ lệ mắc các biến chứng nặng sau tiêm như sau:

• Sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine COVID-19 là: 2-5/1.000.000 người được tiêm chủng ở Hoa Kỳ. Đây là biến chứng nặng nề và có nguy cơ gây tử vong cao, nhưng theo thống kê thì tỉ lệ mắc biến chứng này là cực kỳ thấp cho tất cả các loại vaccine được tiêm chủng ở Mỹ tính đến thời điểm hiện tại (Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson's Janssen).

• Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTS) sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson (J & J / Janssen) là rất hiếm. Tính đến ngày 12 tháng 7 năm 2021, hơn 12,8 triệu liều Vaccine J & J / Janssen COVID-19 đã được tiêm tại Hoa Kỳ. CDC và FDA đã xác định được 38 trường hợp mắc phải TTS sau tiêm Vaccine J & J / Janssen COVID-19, trong đó phổ biến nhất ở nhóm đối tượng phụ nữ dưới 50 tuổi.

• Hội chứng Guillain-Barré (GBS): Một chứng rối loạn hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, gây ra yếu và liệt cơ. Hầu hết mọi người hồi phục hoàn toàn sau GBS, nhưng có một số trường hợp bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Theo CDC và FDA, sau khi tiêm 12,8 triệu liều Vaccine J & J / Janssen COVID-19, đã có khoảng 100 báo cáo sơ bộ về GBS được xác định trong VAERS. Những trường hợp này chủ yếu được báo cáo khoảng 2 tuần sau khi tiêm chủng và chủ yếu ở nam giới, nhiều người từ 50 tuổi trở lên. CDC sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá các báo cáo về GBS xảy ra sau khi tiêm chủng COVID-19 và sẽ chia sẻ thêm thông tin khi có.

• Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine COVID-19 là rất hiếm. Tính đến ngày 12/7/2021, CDC và FDA đã xác nhận 633 báo cáo về viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim. Hầu hết các trường hợp sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna.

• Các báo cáo về trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine COVID-19 là rất hiếm (0,0018 %) ở những người được tiêm COVID-19 vaccine.

Các tai biến nặng do tiêm vaccine rất hiếm - Ảnh 2.

TPHCM đã chích vaccine được 4 đợt, bắt đầu hôm nay vào đợt chích thứ 5. Ảnh: BST

Theo thống kê trên của CDC, có thể thấy các tai biến nặng nề có thể xảy ra do tiêm vaccine COVID-19 là rất hiếm. Vậy chúng ta phải theo dõi để đảm bảo an toàn và xử trí kịp thời nếu có các tai biến xảy ra.

Sau tiêm vaccine tất cả đều được ở lại cơ sở tiêm để theo dõi trong 30 phút, sau 30 phút người tiêm ra về và tự theo dõi tại nhà. Người tiêm cần đảm bảo luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ trong 3 ngày đầu. Không nên uống rượu bia và các chất kích thích. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tránh các thức ăn lạ, hoặc đã ghi nhận dị ứng trước đây và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya , hạn chế stress. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Sau tiêm vaccine cũng cần thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C thì cần cởi bớt và nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất. 

Các tai biến nặng do tiêm vaccine rất hiếm - Ảnh 3.

BS Nguyễn Quang Lâm, BV Vinmec TPHCM đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: BST

Đặc biệt cần phải đến ngay bệnh viện gần nhất khi có 1 trong các dấu hiệu sau:

Ở miệng: Cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; Ở da: Phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; Ở họng: Ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; Về thần kinh: Đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; Về tim mạch: đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; phù chân.

Đường tiêu hóa: Nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; tiêu phân đen, tiêu ra máu.

Đường hô hấp: ho, khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt trong 2 giờ liên tục

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm