Các trung tâm giáo dục cho trẻ tự kỷ đang 'hoạt động chui'

22/04/2018 - 07:45
Trên thực tế, nhiều trung tâm giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ đã lập ra và đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay hành lang pháp lý chưa có quy định rõ ràng, cụ thể liên quan tới người tự kỷ; cũng chưa có một bộ giáo trình, công cụ chuẩn và thống nhất để can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ.

 Trao đổi với PV Báo PNVN, bà Hoàng Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng thành phố Hà Giang, đơn vị sự nghiệp giáo dục thường xuyên công lập đầu tiên tại Việt Nam thí điểm chương trình giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật cho biết: Trung tâm cũng gặp phải những khó khăn trong việc xin cấp phép chương trình giáo dục cho trẻ tự kỷ. Bởi hiện nay, chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong bất cứ văn bản luật nào hướng dẫn xin cấp phép hoạt động và chương trình giáo dục can thiệp cho riêng nhóm trẻ tự kỷ.

Không chỉ vậy, theo bà Hoàng Diệu Thúy, về mặt kỹ thuật, đến nay chưa có bộ tài liệu, giáo trình thống nhất để áp dụng trong giáo dục, can thiệp cho nhóm trẻ tự kỷ. Thực tế đang diễn ra là “ai cũng có thể dạy cho trẻ tự kỷ”. Từ giáo viên đến người trong ngành tâm lý học cũng có thể tự nhận làm gia sư riêng cho các gia đình có trẻ tự kỷ. “Đây cũng chính là kẽ hở không thể kiểm soát được. Những giáo viên này đang dạy những gì, theo phương pháp nào, ai sẽ kiểm soát khi bản thân những nhà quản lý giáo dục cũng không có được giáo trình chuẩn và các quy định hướng dẫn liên quan để thẩm định, giám sát”, bà Thúy nói.

hoang-dieu-thuy.jpg
Bà Hoàng Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang

 Từ thực tế chưa có hành lang pháp lý để thực hiện và các quy định liên quan, thì các trung tâm, lớp học chuyên biệt cho trẻ tự kỷ, đặc biệt là các trung tâm tư nhân đang hình thành ngày càng nhiều tại các thành phố lớn hiện nay đều hoạt động … lách luật, “hoạt động chui”.

 Theo Điều 3, Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật được chia ra 6 dạng tật, gồm Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ và Khuyết tật khác. Thậm chí, các văn bản dưới luật cũng bỏ lọt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về người tự kỷ.

Theo bà Hoàng Diệu Thúy, điều thiệt thòi rất lớn với trẻ tự kỷ là “đứng chơ vơ không thuộc nhóm nào trong các dạng tật được quy định trong luật”. Những trẻ này thường không được cấp sổ người khuyết tật, nên không được hưởng trợ cấp xã hội, đi học không được miễn học phí…

Trẻ tự kỷ chưa được đưa vào nhóm trẻ yếu thế, trẻ đặc biệt, nhóm trẻ cần được bảo trợ, từ đó sẽ tạo áp lực cho gia đình các em. Với những trẻ tự kỷ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, cha mẹ đành phải để con ở nhà; trẻ không được tiếp nhận can thiệp sớm; thậm chí các em còn bị chối bỏ (tước mất quyền học) ở những trường hòa nhập, hay yêu cầu cần được can thiệp chuyên biệt, kịp thời. Do đó, trẻ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng.

trung-tam-giao-duc-cho-tre-tu-ky1.jpg
Lớp học chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ
 

Trong quá trình đợi xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và cụ thể dành cho người tự kỷ, thì thực tế đặt ra với nhóm trẻ này vẫn cần có sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời từ cộng đồng và gia đình. Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cho biết: Hiện tại, “thiếu sót lớn nhất là chưa có hệ thống chính sách giáo dục cho trẻ tự kỷ”. Chính sách giáo dục phải hình thành trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học; đồng thời phải có điều kiện để thực thi.

Xác định tự kỷ là vấn đề không dễ. Các nhà khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân từ đâu, di truyền hay môi trường... Thậm chí còn có nhiều ý kiến, tranh luận rất khác nhau. Y học coi đây là bệnh, tật. Do vậy, đa phần các nhóm trẻ này đều được dùng công cụ y tế để khám, sàng lọc và chẩn đoán. Điều này dẫn tới việc sử dụng các đơn thuốc tâm thần để can thiệp, trị liệu. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại coi tự kỷ là sự rối nhiễu về hành vi, thiếu hụt về nhận thức. Vì thế, phương pháp tiếp cận và can thiệp sẽ tuân thủ theo các liệu pháp tâm lý học.

Trong khi đó, giáo dục như một khía cạnh chính để hoàn thiện kỹ năng sống và năng lực xã hội của một đứa trẻ lại không có bất cứ tiếng nói (được luật hóa) nào. Cụ thể, trong thành phần của Hội đồng Giám định khuyết tật, không có vị trí cho một giáo viên chuyên biệt, người có thể sử dụng các công cụ giáo dục để đánh giá nhận thức, kỹ năng của một đứa trẻ. Do vậy, từ góc nhìn đa chiều và toàn diện, chúng ta cần sớm có được được đầy đủ những bằng chứng khoa học không chỉ về y học, tâm lý học, mà còn cả giáo dục học. “Không có bằng chứng về mặt khoa học thì rất khó hình thành chính sách chung”, ông Tiến khẳng định.

Trước thực trạng này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng hành khởi xướng Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” trong 5 năm (2018 - 2022).

Ông Hoàng Văn Tiến cho biết: Dự án này nhằm tập hợp các lực lượng trong xã hội cùng hỗ trợ cho trẻ bị tự kỷ. Trong đó, có các ngành y tế, tâm lý học, giáo dục, xã hội học… cùng tiến hành nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu chuẩn áp dụng trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ bị tự kỷ.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, dự án này được hi vọng sẽ đưa ra bằng chứng, tạo tiền đề lý luận và bằng chứng khoa học, thực tiễn và tính khả thi trong phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Trên cơ sở đó sẽ hình thành chính sách cho người tự kỷ trong tương lai gần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện quyền của trẻ em.

Ông Tiến cho biết thêm: Bước đầu, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 300 trẻ tự kỷ ở các gia đình nghèo, khó khăn được hỗ trợ kinh phí để các em phục hồi chức năng. Cùng với các hoạt động hỗ trợ tổng thể, dự kiến sẽ có khoảng 3.000 trẻ bị tự kỷ được thụ hưởng từ chương trình này.

Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” trong 5 năm (2018 - 2022) nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ em tự kỷ. Đồng thời tuyên truyền vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ, từ đó tạo cơ sở đề xuất chính sách cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Mục tiêu của dự án này tập trung vào 5 nội dung: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; đồng thời, phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm