pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các vụ chó tấn công người ngày càng tăng lên, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân không ngờ
Khi Trái Đất đang trải qua những ngày nắng nóng kinh khủng nhất, các nhà nghiên cứu đến từ trường Y Harvard phát hiện ra một hiện tượng: loài chó bỗng trở nên hung hăng hơn bất thường.
Không chỉ ảnh hưởng đến con người, biến đổi khí hậu còn gây ra tác động tiêu cực đến loài chó. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra chó sẽ hung hăng hơn vào những ngày nắng nóng và ô nhiễm hơn là những ngày mưa lạnh. Bằng chứng là số vụ chó cắn gia tăng vào ngày nóng và giảm vào ngày lạnh.
Biến đổi khí hậu tác động đến tập tính của chó như thế nào?
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu Harvard đã xem xét sự tương quan giữa nhân tố ngoại cảnh và tần suất chó tấn công người hằng ngày. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 69.525 vụ chó cắn để xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự hung hăng của loài vật này ở 8 địa điểm tại Mỹ từ năm 2009 đến 2018.
Sau đó, họ phát hiện ra tần suất chó tấn công sẽ tăng lên vào những ngày nóng nhưng giảm vào ngày nhiều mây. Số vụ chó cắn chiếm 0,3% trong các ca cấp cứu khẩn cấp, là nguyên nhân gây biến dạng cơ thể, chấn thương, cụt ngón tay, tổn thương sọ nghiêm trọng, một số trường hợp gây tử vong.
Các nhà nghiên cứu nhận định, tỷ lệ chó tấn công tỉ lệ thuận với nhiệt độ và nồng độ ozon. Có thể vì hợp chất ozon làm mất cân bằng oxi hóa trong đường thở, từ đó suy giảm khả năng hô hấp của động vật. Họ cũng đưa ra giả thuyết nồng độ steroid tình dục tăng mạnh vào những ngày chó tiếp xúc với bức xạ tia cực tím cao có thể là nguyên nhân làm chúng hung hăng bất thường.
Nhìn chung, động vật sẽ có xu hướng bạo lực khi muốn bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nguồn tài nguyên khan hiếm, cạnh tranh bạn đời hay bảo vệ những con khác trong đàn. Nhà nghiên cứu cũng ghi nhận hành vi tương tự ở khỉ Rhesus, chuột cống, chuột nhắt hay thậm chí nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến tâm trạng con người.
Theo Euronews, nhiệt độ cao làm tăng nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi và gây khó thở ở người. Sự gia tăng sản sinh testosterone do sóng nhiệt cũng làm tâm trạng chúng ta cư xử thất thường, dễ cáu gắt hơn.
Nhiệt độ gia tăng toàn cầu
Theo Liên Hợp Quốc, trái đất đang nóng nhanh hơn so với 2000 năm qua do các hoạt động của con người như sử dụng than, dầu khí và chất đốt. Bề mặt Trái đất hiện tại ấm hơn khoảng 1,1°C so với cuối những năm 1800 (trước cách mạng công nghiệp). Được biết, mức nhiệt kỷ lục gần đây nhất là giai đoạn 2011-2020.
Một số tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể kể đến như hạn hán dữ dội, khan hiếm nước, hỏa hoạn, mực nước biển dâng, lũ lụt, băng tan ở hai cực và suy giảm đa dạng sinh học.
Theo dự báo, khoảng 14% cư dân trên Trái đất sẽ hứng chịu các đợt sóng nhiệt dữ dội ít nhất 5 năm một lần khi nhiệt độ tăng lên thêm 1,5°C.