Cách giúp con cái yêu thương, sống hòa thuận với nhau

Thanh Hương
10/04/2023 - 12:03
Cách giúp con cái yêu thương, sống hòa thuận với nhau

Ảnh minh họa

Chỉ cần cha mẹ giỏi nắm bắt những chi tiết nhỏ trong cuộc sống và cố gắng tạo nhiều cơ hội giúp vun đắp tình thân giữa con cái thì bầu không khí gia đình sẽ hòa thuận, đầm ấm.

Người phụ nữ họ Bạch ở Trung Quốc là mẹ của 2 đứa con. Thời điểm sinh con thứ 2, chị Bạch quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian cho gia đình. Dù vậy, việc chăm sóc con nhỏ cũng khiến chị bận rộn tối mặt tối mũi.

Cách đây không lâu, chị Bạch đi họp phụ huynh cho con lớn. Bất ngờ là sau buổi họp, giáo viên chủ nhiệm đã giữ chị lại để nói chuyện thêm. "Chăm hai con thật sự vất vả nhưng chị vẫn cần chú ý giao tiếp nhiều hơn với con", giáo viên nói.

Khi chị Bạch chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì giáo viên đã lấy từ ngăn kéo tủ ra một bài văn của con chị và nhẹ nhàng nói tiếp: "Phụ huynh đọc cái này trước đi ạ".

Nội dung bài văn như sau: "Tôi từng rất yêu mẹ, nhưng sau khi em gái tôi ra đời, mẹ không còn yêu tôi nữa. Tôi hận em gái tôi, tại sao em ấy luôn có thể được mẹ ôm trong lòng? Còn tôi muốn ngủ cùng mẹ cũng là điều xa xỉ. Cả nhà tôi đều yêu thương, nhường nhịn em gái. Thật không công bằng".

Chị Bạch đã rất ngạc nhiên khi đọc bài văn đầy bất mãn của con. Trước đó, cô luôn cho rằng mình là một người mẹ tốt, không bỏ qua những nhu cầu của con gái lớn. Nhưng điều gì đã xảy ra? Điều gì khiến con gái lớn của chị Bạch có suy nghĩ tiêu cực như vậy?

Cách giúp con cái yêu thương, sống hòa thuận với nhau  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trên đường về nhà, chị Bạch vô cùng bối rối. Ban đầu, chị buồn vì con gái đã hiểu lầm mẹ. Nhưng về sau suy nghĩ cẩn thận lại, chị phát hiện ra quả thật từ khi có con thứ 2, vì bận rộn chăm con nhỏ mà chị ít để ý hơn đến cảm xúc của con lớn. Số lần chị dỗ con lớn ngủ ngày càng ít đi.

Sau khi suy nghĩ thông suốt, chị Bạch tự nhủ về sau phải chú ý hơn trong quá trình nuôi dạy, trao yêu thương cho các con, tránh để các con cảm thấy tủi thân.

Làm thế nào để con cái yêu thương, sống hòa thuận với nhau?

Thực tế, không phải chị Bạch mà nhiều phụ huynh cũng gặp cảnh tương tự khi sinh thêm con, con lớn cảm thấy không được quan tâm, nảy sinh cảm giác ghen tị với em. Tình trạng này là do cha mẹ chưa giải quyết được 3 điều sau đây:

Vấn đề 1: Không có đủ thời gian đồng hành với con

Sau khi đứa con thứ hai ra đời, cha mẹ tất nhiên sẽ dành một phần thời gian cho con nhỉ. Vì con nhỏ cần được chăm sóc cẩn thận hơn nên cha mẹ theo bản năng cũng sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con nhỏ.

Đồng nghĩa với việc, con cả - vốn được hưởng hết thời gian, sự bầu bạn của bố mẹ trước giờ, phải chia sẻ lại với con út. Điều này dễ khiến con lớn cảm thấy bất mãn, thiệt thòi, không công bằng. Vậy nên cha mẹ cần hết sức chú ý, phân chia thời gian công bằng cho các con.

Vấn đề 2: Có sự bất đồng trong cách nuôi dạy

Nhiều cha mẹ có cách nuôi dạy khác nhau với từng đứa con, có thể là do sự khác biệt trong kỳ vọng giáo dục. Chẳng hạn có gia đình khi con lớn xin mua đồ chơi thì lại không đồng ý và yêu cầu con tập trung vào việc học. Thế nhưng khi con út xin thì lại mua luôn cho món đồ chơi mới. Kiểu nuôi dạy con khác biệt này có thể khiến những đứa trẻ nảy sinh xung đột.

Vấn đề 3: So sánh con cái

Trong những gia đình có hai con, việc cha mẹ so sánh con cái là rất phổ biến. Thậm chí có ý kiến cho rằng đây là hành vi vô ý thức của cha mẹ. Nhà giáo dục nổi tiếng Suhomlinski từng nói, ở đâu có sự so sánh, ở đó có cao thấp, và những đứa trẻ bị so sánh dễ bị tổn thương lòng tự trọng.

Vậy làm thế nào để gia đình hòa thuận, con cái không ganh ghét, yêu thương lẫn nhau? Điều này cần từ chính hành động của cha mẹ. Thứ nhất, đừng vô lý ép buộc "con lớn phải nhường em". Mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu cá nhân, đừng bắt con bỏ qua nhu cầu, cảm xúc của mình để nhường em một cách miễn cưỡng.

Thứ 2, đừng so sánh mà hãy tìm ra điểm mạnh của mỗi đứa trẻ. Hãy cố gắng khen ngợi ưu điểm của từng đứa trẻ, khiến trẻ nhận ra mình là duy nhất, từ đó xây dựng mối quan hệ hòa thuận với nhau.

Cuối cùng, cha mẹ hãy chú ý nuôi dưỡng tình cảm giữa những đứa trẻ. Trong một gia đình có hai con, rất dễ nảy sinh cảm giác cạnh tranh giữa những đứa trẻ. Con út là "kẻ thù tưởng tượng", là "đối tượng được thiên vị" mà con lớn luôn ám ảnh. Còn con lớn lại là "thủ lĩnh" mà con út cố gắng bắt kịp.

Vì vậy, chỉ cần cha mẹ giỏi nắm bắt những chi tiết nhỏ trong cuộc sống và cố gắng tạo nhiều cơ hội giúp vun đắp tình thân giữa con cái thì bầu không khí gia đình sẽ hòa thuận, đầm ấm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm