pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chắt bóp, chồng tiêu hoang: Quản lý kinh tế thế nào để hòa thuận?
Ảnh minh họa
Nhiều người cho rằng cách để không bị đồng tiền chi phối là chọn bạn đời có mức độ tự chủ và phương châm tài chính tương đương. Ví dụ người xởi lởi thì nên chọn người cũng xởi lởi, tiết kiệm thì nên đi cùng tiết kiệm. Vậy xởi lởi và tiết kiệm có đi cùng với nhau được không, và nếu hai vợ chồng có cách chi tiêu khác nhau thì nên xử lý như thế nào.
Được biết, chị Thục Anh (hiện đang sống tại Hà Nội) là tuýp người tiết kiệm. "Theo nghĩa tiêu cực thì mọi người có thể nghĩ mình là tuýp người "rót nước mắm không thừa một giọt". Còn theo hướng tích cực thì có thể hiểu mình là người quản lý chi tiêu cá nhân rõ ràng với từng mục "chi tiêu cần - chi tiêu muốn - tiết kiệm". Còn chồng của mình thì hoàn toàn ngược lại. Không phân biệt nổi đâu là khoản bắt buộc phải chi, đâu là khoản không chi cũng được. Có khi tiền tiêu xong cũng không nhớ mình đã tiêu vào việc gì", chị Thục Anh chia sẻ.
Hai vợ chồng có cách chi tiêu khác nhau nhưng chị Thục Anh chia sẻ rằng qua nhiều năm vẫn chung sống hòa bình và tài chính hai vợ chồng vẫn rất ổn định. Và để làm được điều này, chị Thục Anh đã áp dụng 2 phương pháp dưới đây:
1. Trình bày rõ quan điểm tài chính cá nhân
Mỗi người sẽ có quan điểm tài chính riêng, có người sẽ cảm thấy an tâm hơn nếu biết tích lũy cho tương lai hoặc có người sẽ sống kiểu yolo (tiêu tiền cho nhu cầu của bản thân thì sẽ là động lực để kiếm nhiều tiền hơn).
"Lúc mới bắt đầu, vợ chồng mình cãi nhau triền miên vì vấn đề này. Mỗi lần thấy chồng tiêu linh ta linh tinh là mình lại la ầm lên, dù đó là tiền mà chồng mình tự kiếm ra. Mình luôn tự nghĩ trong đầu, sao có thể lấy được người chồng làm 10 đồng, ăn đến 9 này được", chị Thục Anh chia sẻ.
Để giải quyết những cãi vã không đáng có đó, chị Thục Anh chọn cách trình bày rõ quan điểm tài chính cá nhân với chồng. Ví dụ như chị sẽ mua cái này cái kia vào năm bao nhiêu tuổi, bao nhiêu tuổi sẽ nghỉ hưu, lúc đó cần bao nhiêu tiền, hay thẳng thắn yêu cầu cần chồng góp bao nhiêu % lương cho kế hoạch nghỉ hưu sớm... Và ngoài dự đoán, chồng chị đã nghe theo răm rắp, tháng nào lấy lương cũng góp tiền vào quỹ đầu tư của hai vợ chồng.
2. Tiền anh anh tiêu, tiền em em tiêu và hãy tự lập ra mục tiêu cho riêng mình
Quan điểm này thì hoàn toàn là lý do cá nhân, bởi vì chị Thục Anh ghét việc phải tính toán. Quản lý chi tiêu của bản thân đã tốn nhiều thời gian và công sức nên chị không muốn quản lý thêm cả tài chính chi tiêu của chồng. Nên riêng với gia đình chị Thục Anh thì là ai quản lý chi tiêu của người đó.
"Bọn mình sẽ lên kế hoạch tháng này cần bao nhiêu tiền sinh hoạt phí, chồng mình sẽ phải đóng từng đó tiền. Đưa tiền để mình cho vào quỹ đầu tư, còn còn lại anh tự giữ, tiêu thế nào là việc của anh. Bọn mình cũng tự đặt ra mục tiêu riêng, như anh thì có mục tiêu là mua xe. Nếu tiêu hoang thì mục tiêu sẽ càng lâu đạt được. Và thay cho việc đay nghiến vì tiêu hoang thì cách này sẽ giúp anh tự có trách nhiệm với mục tiêu của mình".
Theo chị Thục Anh thì sẽ không có lời khuyên tài chính nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, vì có thứ sẽ đúng với người này, không đúng với người khác. Mỗi người sẽ phải tự soi chiếu cuộc đời mình và tìm một câu trả lời thỏa đáng nhất.
Cũng như vậy, một người tiết kiệm không phải là không thể đi đường dài cùng một người tiêu hoang. Cái chính là tìm được phương pháp như thế nào cho hiệu quả.
Theo chị Thục Anh, các cặp vợ chồng cũng nên đặt câu hỏi cho nhau để tìm hiểu về suy nghĩ của đối phương. Ví dụ như: Liệu mình có đang áp đặt tư tưởng của mình vào người khác một cách quá đáng không? Liệu họ có thể lắng nghe, cùng thay đổi với mình hay không? Và mọi vấn đề đều có thể giải quyết nếu tìm được phương pháp thích hợp.