pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách nhận biết mắc bệnh Thủy đậu và Đậu mùa khỉ
Cơ quan chức năng giám sát tại sân bay để hạn chế nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ
Phân biệt Đậu mùa khỉ và bệnh Thủy đậu
Mới đây, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên của Việt Nam mắc bệnh Đậu mùa khỉ khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, Đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ. Hiện tại, Bộ đã cùng các địa phương triển khai các biện pháp giám sát, phòng bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.
Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn nốt. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, hình thành một lớp da mới.
Từ các triệu chứng của Đậu mùa khỉ, nhiều người lo ngại có thể nhầm lẫn bệnh này với bệnh Thủy đậu. Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo (BV Da liễu TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, bệnh Đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus. Cả hai bệnh đều lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to, tiếp xúc dịch tiết sang thương và lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.
Đậu mùa khỉ và Thủy đậu đều có các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Cả hai đều có các diễn tiến tổn thương da giống nhau từ rát đến sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng mài, bong mài.
Tuy nhiên, hai bệnh này có nhiều điểm khác nhau rất dễ nhận biết. Theo đó, ở Đậu mùa khỉ, phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương đậu mùa khỉ thường lớn hơn thủy đậu. Đặc biệt, bệnh nhân có sốt và nổi hạch toàn thân.
Còn ở thủy đậu, cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, thường ít để lại sẹo. Tổn thương nhỏ hơn đậu mùa khỉ, bệnh nhân có sốt, mệt mỏi.
Sức khỏe nữ bệnh nhân nhiễm Đậu mùa khỉ hiện ra sao?
Liên quan đến bệnh Đậu mùa khỉ, BV Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã cập nhật tình hình sức khỏe của bệnh nhân đầu tiên Việt Nam nhiễm bệnh sau 13 ngày điều trị.
TS. Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh cho biết, sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vẩy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau. Bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân.
Hiện tại tinh thần bệnh nhân lạc quan và tuân thủ tốt quy trình cách ly và xử lý vật dụng cá nhân tránh lây cho cộng đồng. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Cũng theo bác sĩ Hùng, sau khi phát hiện ca bệnh, BV đã xử lý theo các quy trình: Cách ly, xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây... khoa học, nghiêm ngặt. Đến hôm nay, bệnh nhân phục hồi sức khỏe, PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính.
Từ tình hình của bệnh nhân, các chuyên gia nhận định, nguồn lây là từ nước ngoài, nơi bệnh nhân đi du lịch (Dubai). Hơn nữa, bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về Việt Nam.
Liên quan đến Đậu mùa khỉ, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Như vậy, với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập Việt Nam là hiện hữu.
Tuy nhiên, dù có ca bệnh xâm nhập hay không thì Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt nơi thăm khám các bệnh lây qua đường tình dục nâng cao cảnh giác; mỗi người dân nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khai báo vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác.
Cũng theo ông Lân, Bộ Y tế ta đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản có thể linh hoạt nhằm đảm bảo khi có trường hợp ca bệnh thì đáp ứng kịp thời.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang và thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Người dân khi thấy có các triệu chứng sốt cao- đau đầu, đau cơ- sưng hạch, phát ban cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.