Cách phòng căn bệnh ung thư 7 người trong một gia đình mắc phải
16/04/2018 - 15:32
Mới đây, một gia đình ở Hải Dương đã có tới 7 người bị ung thư trực tràng, trong đó 2 người đã mất. Các chuyên gia cho biết, căn bệnh này phổ biến và rất nguy hiểm bởi thường phát hiện muộn. Không những thế, khi mới mắc bệnh thường có triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm với bệnh trĩ hay rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K TƯ, cho biết ung thư trực tràng hay còn được gọi là ung thư ruột kết là một căn bệnh xảy ra ở ruột già phần cuối của ông tiêu hóa (ruột kết). Tại đây hình thành các khối u bất thường chứa các tế bào ác tính và được gọi là ung thư trực tràng.
Cũng theo bác sĩ Thuấn, ung thư trực tràng là bệnh lý ác tính hay gặp nhất của đường tiêu hóa, có tỷ lệ mắc cao thứ 3 và tỷ lệ tử vong cao thứ 4 trong các bệnh ung thư phổ biến. Trong đó, ung thư trực tràng chiếm khoảng 30%. Theo thống kê, năm 2013, số ca ung thư trực tràng mới mắc ở Mỹ hơn 40.000 ca, ở châu Âu 100.000 ca. Tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư trực tràng khoảng 19.000, trong đó mỗi năm có thêm 8.000 ca mới mắc.
Bác sĩ Thuấn cũng cho biết, ung thư trực tràng là bệnh phổ biến và rất nguy hiểm do căn bệnh có những triệu chứng ban đầu không rõ ràng. Ở giai đoạn sớm, triệu chứng thường không rõ, nhiều khi người bệnh chỉ đau bụng nhẹ, cũng có khi bị trướng hay đầy bụng, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn.
Những triệu chứng này thường bị người bệnh nhầm với bệnh trĩ hay rối loạn tiêu hóa do ăn, uống. Do vậy, có tới 85% bệnh nhân nhập viện đã bị ung thư trực tràng giai đoạn giữa hay đã bị di căn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Trong y khoa, bệnh nhân ung thư trực tràng được chia làm 4 giai đoạn.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì khả năng chữa trị khỏi bệnh sẽ rất cao. Còn khi bệnh đã ở giai đoạn muộn hoặc di căn sẽ làm cho khả năng điều trị kém đi. Cụ thể:
Giai đoạn I: có nghĩa là khối u chỉ ở lớp trong của trực tràng và chưa xâm lấn qua thành của trực tràng. Tỷ lệ sống được trên 5 năm sau khi đã được phát hiện và điều trị ở giai đoạn này là 90%. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân có thể sống được trên 10 năm.
Giai đoạn II: Là giai đoạn khối u đã phát triển vào thành sâu hơn so với giai đoạn I và có thể phát triển vào mô lân cận. Tỷ lệ sống được trên 5 năm sau khi điều trị thành công ở giai đoạn này giảm xuống còn 75%.
Giai đoạn III: Lúc này, ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết. Tỷ lệ sống trên 5 năm giảm xuống chỉ còn 50%.
Giai đoạn IV: có nghĩa là ung thư đã lan tới một phần khác của cơ thể, như gan hoặc xương. Sự phát tán này được gọi là di căn xa. Tỷ lệ sống trên 5 năm (nếu có di căn xa) chỉ còn khoảng 5%.
Khi bị ung thư trực tràng, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như táo bón, đi ngoài ra máu, co thắt dạ dày, cân nặng giảm bất thường, người mệt mỏi, xanh xao... “Phần lớn ung thư trục tràng thường gắn với thói quen sinh hoạt, do ăn uống thực phẩm nhiều mỡ, thịt xông khói. Ngoài ra yếu tố di truyền hoặc do các bệnh lý khác phát triển gây ra bệnh”, bác sĩ Thuấn nói.
Để phòng ngừa bệnh ung thư trực tràng người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kì. Đồng thời nên chủ động phòng ngừa bằng cách không hút thuốc lá; hạn chế ăn các món nhiều mỡ, thịt xông khói bởi các món ăn này sẽ làm cho các yếu tố sinh ung thư phát triển; tập thể dục, giảm nguy cơ béo phì; bổ sung chất xơ, vitamin.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh cũng không nên quá lo lắng, với y học hiện đại ngày nay có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư giai đoạn sớm và kéo dài thời gian cho những người bệnh đã di căn.